https://fta.dainam.edu.vn
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐẠI NAM
VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH
  • Tiếng Việt
  • Tiếng Việt
BẢN TIN VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH 22/07/2025

Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'F DNU-FTA Haneesing ุื้เ neasia . ls: #иa stank BẢN TIN VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH ጥባችያ 00:09: 22/07/2025'

 

(Theo CafeF) Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Một năm, Nhà nước sẽ chi ra 25.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp ĐMST"

 Theo đó, Tư lệnh ngành Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số có thể đóng góp tới 5% tăng trưởng kinh tế, đây chính là tăng trưởng bền vững.

 Thứ nhất, KHCN phải đóng góp được 1% vào tăng trưởng GDP. Cách làm là các kết quả nghiên cứu phải mang ra thương mại hóa, đưa vào doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm mới, doanh thu mới.Đổi mới cách phân bổ ngân sách và đánh giá các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KHCN theo hướng, một đồng chi cho nghiên cứu phải tạo ra 10 đồng doanh thu gián tiếp. 25.000 tỷ đồng mà chúng ta chi cho nghiên cứu phát triển phải tạo ra 250.000 tỷ đồng doanh thu gián tiếp, và tỷ lệ giá trị tăng thêm phải đạt 40-50%, tức là tạo ra 100-125 tỷ đồng GDP, khoảng 1% GDP.Theo Bộ trưởng, trước đây, Việt Nam chưa đặt mục tiêu này. Nghiên cứu chủ yếu để tạo ra kết quả là bài báo, mà chưa hướng tới tăng trưởng kinh tế.

 Thứ hai, ĐMST phải đóng góp 3% tăng trưởng GDP. Theo đó, ĐMST tập trung vào hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ, nhận chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu suất sử dụng công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo.Cách làm là thông qua việc hỗ trợ lãi suất vay đối với các khoản đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, cơ chế là nhà nước hỗ trợ tới 50% lãi suất vay, lấy từ Quỹ Đổi mới công nghệ.

"Một năm, nhà nước sẽ chi ra 25.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp ĐMST, là nhằm tăng năng suất lao động, tăng TFP, tăng sản lượng, tăng thêm các mặt hàng mới, tạo ra 3% tăng trưởng GDP", Bộ trưởng chia sẻ.

Đây là con số mà chúng ta đã từng đạt 2-2,5% tăng trưởng GDP thông qua đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp vào những năm 2018-2019, mặc dù hồi đó chưa có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ từ nhà nước.Một năm nhà nước chi 25.000 tỷ đồng cho Quỹ Đổi mới công nghệ và Quỹ Đầu tư mạo hiểm, nên 3% GDP là khả thi.

 Thứ ba, CĐS đóng góp 1% vào tăng trưởng GDP. Cách làm là tăng gấp đôi tốc độ di động. Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng, tốc độ di động mà tăng thì sẽ kéo theo tốc độ nền kinh tế tăng, nhất là kinh tế số.  Tốc độ di động mà tăng gấp đôi thì GDP tăng ít nhất 1%. Bộ KH&CN đã chỉ đạo các nhà mạng tăng tốc độ di động lên gấp đôi trong năm 2025, nhưng tháng 7 này đã đạt mục tiêu.

Với kết quả đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục hỗ trợ nhà mạng phát triển hạ tầng số. Ngoài ra, các nội dung khác về CĐS, như dịch vụ công trực tuyến toàn trình, hoạt động của chính quyền dựa trên dữ liệu, cũng sẽ làm tăng tốc độ của bộ máy nhà nước và cả nền kinh tế, cũng sẽ góp phần tăng trưởng GDP.

"Đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo cụ thể các nhiệm vụ KHCN, ĐMST và CĐS hướng vào tăng trưởng kinh tế. Bộ KH&CN sẽ gửi các địa phương hướng dẫn cụ thể cách làm, đặc biệt là cách đo lường tác động của KHCN, ĐMST và CĐS vào tăng trưởng kinh tế.", Bộ trưởng cho hay.

Chi tiết tại đây:

https://cafef.vn/bo-truong-nguyen-manh-hung-mot-nam-nha-nuoc-se-chi-ra-25000-ty-dong-de-ho-tro-cac-doanh-nghiep-dmst-18825072109264416.chn 

  (Theo Vietstock) Tiền số lên đời pháp lý, hành vi đầu tư liệu có lên cấp?

 Giai đoạn 2020-2022 từng chứng kiến làn só g đầu tư tài sản số lan rộng tại Việt Nam. Tiền mã hóa không chỉ là khái niệm công nghệ mà trở thành kênh làm giàu mới trong mắt nhiều người trẻ.  Luật Công nghiệp Công nghệ số được Quốc hội thông qua, lần đầu định nghĩa "tài sản số". Không còn là "vùng xám", tài sản số đang dần tiến vào khuôn khổ pháp luật chính thức.

Đến đầu năm 2025, dòng chảy pháp lý bắt đầu chuyển mình. Chỉ thị 05/CT-TTg giao Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất khung quản lý tài sản số. Luật Công nghiệp Công nghệ số được Quốc hội thông qua, lần đầu định nghĩa "tài sản số". Không còn là "vùng xám", tài sản số đang dần tiến vào khuôn khổ pháp luật chính thức.

 Anh N.A., một nhà đầu tư nghiệp dư ở Hà Nội, nhớ lại năm 2021: "Ai cũng nói chỉ cần chọn đúng đồng coin là tài khoản có thể x3, x5. Lúc đầu tôi lãi gần 300 triệu đồng, nhưng rồi âm sạch. Đòn bẩy thì cao, coin thì rớt, sàn thì biến mất. Càng thua càng muốn gỡ, cuối cùng nợ nần chồng chất mà chẳng biết kêu ai".

Theo số liệu từ Triple-A, hơn 17 triệu người Việt sở hữu tài sản mã hóa, đưa Việt Nam vào top 7 toàn cầu với tỷ lệ sở hữu 17% - vượt xa mức trung bình thế giới 6.5%. Đây càng là lý do để thị trường này cần sớm được dẫn dắt theo hướng minh bạch hơn.

 Nhưng rõ ràng, không phải ai cũng sẽ "đầu tư khôn ngoan" hơn chỉ vì có pháp luật. Một khảo sát năm 2023 cho thấy, gần 40% nhà đầu tư tiền số tại Việt Nam thừa nhận họ đầu tư theo cảm xúc hoặc tin đồn, dù biết rủi ro cao.

 Chị K.T., một nhà đầu tư lâu năm tại TPHCM, nhìn nhận thẳng: "Luật pháp giúp thị trường an toàn hơn, nhưng rủi ro lớn nhất nằm ở chính người chơi. Nếu vẫn chạy theo tin đồn, lướt sóng mù quáng, có luật cũng chẳng thay đổi được gì".

 Để mô hình sàn giao dịch tài sản số được thử nghiệm hiệu quả, việc thiết lập cấu trúc thị trường minh bạch là yêu cầu bắt buộc. Ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam đề xuất các yêu cầu cụ thể: Tài sản phải có nguồn gốc rõ, hợp đồng thông minh cần được kiểm toán, đơn vị phát hành bắt buộc công khai whitepaper và luồng tiền phải được lưu vết. Nếu không, sandbox sẽ thành vùng trống kiểm tra, không khác gì OTC trá hình.

 Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, anh Đ.L. cho rằng, khi khung pháp lý rõ ràng hơn, nhiều người sẽ bắt đầu suy nghĩ khác: "Nếu đầu tư có thể báo cáo thuế, tài sản được bảo hộ và giao dịch minh bạch thì xu hướng tích sản, đầu tư dài hạn sẽ lên ngôi. Người ta sẽ tính đến giá trị thật của dự án thay vì chạy theo coin lạ chỉ vì được phím".

 Sau cùng, một thị trường minh bạch là nền tảng để hạn chế rủi ro và mở đường cho công nghệ phát triển. Nhưng không phải ai cũng lạc quan.Có thể nói, khi Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên tài chính số mới, con đường phía trước đầy hứa hẹn nhưng cũng lắm thách thức. Việc ban hành luật về tài sản số sẽ là cú hích cho thị trường chuyển mình, từ "cảm xúc" sang "chiến lược", từ đầu cơ sang tích sản, từ lén lút sang minh bạch. Nhưng cũng có thể, nó chỉ là tấm gương phản chiếu, nếu nhà đầu tư không thay đổi cách nghĩ thì vòng lặp cũ vẫn sẽ tiếp tục.

 Câu hỏi hiện tại không chỉ là "Luật có giúp thị trường minh bạch hơn không?", mà là "Nhà đầu tư đã sẵn sàng thay đổi để đi cùng một thị trường lành mạnh hơn chưa?".

Chi tiết tại đây:

https://vietstock.vn/2025/07/tien-so-len-doi-phap-ly-hanh-vi-dau-tu-lieu-co-len-cap-4309-1329917.htm 

(Theo VNEconomy) Các ngân hàng trung ương bối rối trước sự nổi lên của stablecoin

 Sự bối rối của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ diễn ra trong bối cảnh việc Mỹ tích cực hỗ trợ các đồng tiền số do tư nhân phát hành đã đưa stablecoin - một lĩnh vực đang phát triển với tốc độ nhanh chóng - xâm nhập vào thị trường tài chính truyền thống.

 Tuần vừa rồi, các chính trị gia ở Washington nỗ lực thúc đẩy một dự luật với mục đích cấm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát hành tiền kỹ thuật số (digital currency), đồng thời nhằm cung cấp khuôn khổ pháp lý cho các stablecoin do tư nhân phát hành.

 Nhưng Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) - định chế được coi là “ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương” - tháng trước đã cảnh báo rằng sự gia tăng không kiểm soát của stablecoin có thể đe dọa niềm tin của công chúng vào tiền tệ, gây nguy hiểm cho chủ quyền tiền tệ và có khả năng gây ra rủi ro đối với ổn định tài chính.

 Thay vào đó, một số quốc gia đang cố gắng phát triển tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) - hướng đi sẽ cho phép công chúng tiếp cận tiền tệ an toàn do ngân hàng trung ương phát hành dưới dạng kỹ thuật số và có thể hạn chế làn sóng đôla hóa.

 Ông Christian Catalini, nhà sáng lập tổ chức nghiên cứu kinh tế học tiền số Cryptoeconomics Lab tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nói với Financial Times: “Chúng ta đang sống trong một thế giới kỳ lạ, nơi các đồng stablecoin được đảm bảo bằng USD đang phát triển mạnh. Nếu không được kiểm soát, đây sẽ là con đường dẫn đến tình trạng đôla hóa tràn lan”.

 Hiện đang có khoảng 250 tỷ USD stablecoin đang lưu hành trên toàn cầu, và hầu như tất cả đều được liên kết với đồng USD.Giới phân tích tin rằng lĩnh vực stablecoin sẽ mở rộng nhanh chóng. Viện nghiên cứu Citi Institute gần đây dự báo nguồn cung stablecoin sẽ đạt 1,6 nghìn tỷ USD vào năm 2030 và có khả năng đạt tới 3,7 nghìn tỷ USD, nhờ được thúc đẩy bởi các chính sách luật pháp thân thiện hơn với tiền điện tử của Mỹ. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng của stablecoin đặt ra rủi ro mà ở đó các quốc gia không đi theo xu hướng này có thể bỏ lỡ sự tăng trưởng của stablecoin cũng như cơ hội định hình các quy chế giám sát liên quan.

 Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOI) đã tạm dừng các cuộc thử nghiệm tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương và 8 ngân hàng thương mại trong nước của Hàn Quốc đang hợp tác phát triển một đồng stablecoin chung được bảo đảm bằng đồng won. Trong những tháng gần đây, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã báo hiệu rằng họ sẽ nới lỏng lập trường hạn chế trước đây đối với các đơn vị phát hành tiền số stablecoin.

 Tuy nhiên, trong tháng 7 này, Thống đốc BOE Andrew Bailey đã nói với tờ báo The Times rằng việc các ngân hàng lớn phát hành stablecoin có thể đe dọa sự ổn định tài chính. Ông cũng nói sẽ là “hợp lý” nếu Anh chuyển sang mô hình tiền gửi được mã hóa (tokenised deposit) - phiên bản kỹ thuật số của tiền gửi tại ngân hàng thương mại, cho phép thanh toán nhanh hơn - thay vì phát hành tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương

 Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) - nơi một số nhà hoạch định chính sách hy vọng sẽ thúc đẩy đồng euro như một loại tiền tệ dự trữ thay thế cho đồng USD - Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã mạnh mẽ ủng hộ tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành.Từ năm 2021 đến nay, ECB đã và đang triển khai dự án đồng euro kỹ thuật số của riêng mình để sử dụng cho mục đích bán lẻ và mong muốn hạn chế sự phụ thuộc của khối vào các công ty Mỹ về cơ sở hạ tầng thanh toán.

Những gì mà Nigeria đã trải qua đang phủ bóng lên các dự án CBDC. Năm 2021, quốc gia châu Phi này đã ra mắt đồng tiền kỹ thuật số riêng, nhưng người tiêu dùng Nigeria đón nhận thờ ơ. Thay vào đó, người tiêu dùng nước này hứng thú với các stablecoin được bảo chứng bằng USD do khu vực tư nhân phát hành. Thất bại của dự án CBDC đã dẫn đến việc Chính phủ Nigeria siết chặt các sàn giao dịch tiền ảo.

 Thử nghiệm tiền số do ngân hàng trung ương phát hành ở Nigeria thất bại một phần vì đông tiền số có tên e-naira chỉ là phiên bản kỹ thuật số của đồng nội tệ naira - vốn cũng không được công chúng tin tưởng, theo ông Nitin Datta, chánh văn phòng của UNDCIF, một cơ quan của Liên Hợp Quốc về tài sản kỹ thuật số.

 Nhưng theo tổ chức nghiên cứu Atlantic Council, trong số 69 dự án CBDC bán lẻ được phát triển trên toàn cầu, chỉ có 3 dự án còn được duy trì và 2 dự án đã bị hủy bỏ.

 Đối với những dự án như vậy, việc tạo ra một đồng euro kỹ thuật số hiện đang là phép thử quan trọng - theo ông Josh Lipsky, Giám đốc cấp cao của trung tâm địa kinh tế thuộc Atlantic Council.

Chi tiết tại đây: 

https://vneconomy.vn/cac-ngan-hang-trung-uong-boi-roi-truoc-su-noi-len-cua-stablecoin.htm 

Viện Công nghệ Tài chính, Trường Đại học Đại Nam

 Hotlines/Zalo: 090 224 4966

 Email: fta@dainam.edu.vn

 TikTok: viencongnghetaichinh

 Địa chỉ: P606, Tòa Startup Building, Trường Đại học Đại Nam, Số 1, Phố Xốm, Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội

#DaiHocDaiNam #viencongnghetaichinh #dnufta #ChọnĐạiNamChạmThànhCông #fintech #Vinguoihoctantam #Totnghiepnhanh_Vieclamngay