(Theo DNSGO) 5 chính sách ngân hàng có hiệu lực từ tháng 7/2025.
1. Nghị định 94/2025/NĐ-CP về cơ chế thử nghiệm Fintech:
Chính phủ ban hành Nghị định 94/2025/NĐ-CP ngày 29/4/2025 quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, áp dụng từ 1/7/2025.
Điều 8 Nghị định này quy định điều kiện, tiêu chí cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty Fintech được tham gia thử nghiệm, với các yêu cầu: giải pháp phải mang tính đổi mới, có giá trị gia tăng, khung quản lý rủi ro đầy đủ, khả thi để cung ứng ra thị trường sau thử nghiệm, đồng thời công ty Fintech phải là pháp nhân hợp pháp, người quản lý có kinh nghiệm tối thiểu 2 năm, đủ năng lực chuyên môn.
2. Thông tư 06/2025/TT-NHNN sửa nguyên tắc hoạt động đại lý thanh toán:
Thông tư này sửa đổi Khoản 7 Điều 7 Thông tư 07/2024/TT-NHNN về hoạt động đại lý thanh toán. Theo đó, bên giao đại lý được phép ký hợp đồng đại lý thanh toán với các tổ chức khác, với điều kiện số lượng điểm đại lý thanh toán tại địa bàn cấp xã (không gồm phường) chiếm trên 70% tổng số điểm đại lý toàn địa bàn. Thông tư 06 có hiệu lực từ 1/7/2025.
3. Quyết định 2262/QĐ-NHNN về thủ tục đăng ký tài khoản truy cập hệ thống quản lý vay, trả nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh:
Quyết định quy định chi tiết trình tự đăng ký tài khoản truy cập Trang điện tử quản lý vay, trả nợ nước ngoài; hồ sơ, hình thức nộp (trực tiếp, bưu chính, trực tuyến), thời gian giải quyết 3 ngày làm việc. Quy định này áp dụng với bên đi vay và các cơ quan chức năng liên quan. Hiệu lực từ 1/7/2025.
4. Thông tư 08/2025/TT-NHNN sửa thẩm quyền Giám đốc NHNN chi nhánh:
Thông tư này sửa đổi các quy định tại Thông tư 43/2015/TT-NHNN, Thông tư 29/2024/TT-NHNN, Thông tư 32/2024/TT-NHNN, cụ thể trao quyền cho Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chấp thuận hoặc không chấp thuận chấm dứt hoạt động, xác nhận đủ điều kiện hoạt động, hoặc bắt buộc chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch bưu điện trực thuộc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt. Hiệu lực từ 1/7/2025.
5. Nghị định 156/2025/NĐ-CP sửa chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn:
Nghị định này sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP (đã sửa bởi Nghị định 116/2018/NĐ-CP), cho phép tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với khoản vay bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, nguyên nhân bất khả kháng; đồng thời quy định chi tiết cơ chế khoanh nợ tối đa 2-3 năm, quy trình ngân sách nhà nước cấp bù lãi tổ chức tín dụng khi đã khoanh nợ cho khách hàng. Hiệu lực từ 1/7/2025.
5 chính sách trên đã bao quát các nội dung then chốt: thử nghiệm Fintech, hoạt động đại lý thanh toán, đăng ký tài khoản quản lý nợ nước ngoài, thẩm quyền quản lý phòng giao dịch bưu điện, cơ chế tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn… sẽ có tác động lớn đến hoạt động ngân hàng, tài chính trong thời gian tới.
Chi tiết tại:
https://doanhnhansaigon.vn/5-chinh-sach-ngan-hang-co-hieu-luc-tu-thang-7-2025-319476.html
(Theo TBNH) Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà dự Hội nghị thường niên Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.
Ngày 27/6, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đã có buổi tiếp Hội đồng Kinh doanh châu Âu - ASEAN (EU-ABC) tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Tham dự buổi tiếp, về phía EU-ABC có Ông Jens Rubbert - Chủ tịch EU-ABC (Trưởng đoàn) và ông Dominik Meiehle - Chủ tịch Eurocham (Đồng Trưởng đoàn), cùng đại diện các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam và ASEAN như APCO, Standard Chartered, Siemens, Prudential, Michelin,…
Buổi làm việc tập trung vào các chủ đề bao gồm: Định hướng chính sách của NHNN; những ưu tiên của NHNN về các vấn đề ổn định tài chính, phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng xanh, và kế hoạch phổ cập kiến thức tài chính cho người dân và tăng cường năng lực cho khu vực công; cập nhật định hướng chính sách của NHNN đối với hoạt động đại lý bảo hiểm của ngân hàng thương mại; định hướng chính sách và những vấn đề ưu tiên của NHNN đối với hoạt động tài chính vi mô.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đánh giá cao các buổi làm việc thường niên với EU-ABC và ghi nhận kinh nghiệm và sự tiên phong của EU trong các lĩnh vực như tài chính bền vững, đổi mới công nghệ và đầu tư xanh. Phó Thống đốc cho rằng việc nâng cao mối quan hệ hợp tác giữa ASEAN và EU-ABC là rất cần thiết trong việc nhận diện các thách thức liên quan tới thương mại toàn cầu, chuyển đổi số và biến đổi khí hậu, trong bối cảnh nhiều nước ASEAN đang trải qua giai đoạn khó khăn khi phải nỗ lực cân bằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững.
Về mục tiêu phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng xanh, NHNN đã ban hành Quyết định số 1408/QĐ-NHNN ngày 26/7/2023 phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Trong đó, các nhiệm vụ cụ thể dành cho các đơn vị NHNN và các TCTD đã được đặt ra nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Trong lĩnh vực tài chính vi mô, NHNN đang trong quá trình tham mưu các cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đối với hệ thống các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô đảm bảo phù hợp với định hướng của Chính phủ; đồng thời, đảm bảo phát triển hệ thống các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững theo đúng tôn chỉ, mục đích, mở rộng sự tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng cho người nghèo, người thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Jens Rubbert, thay mặt phía Đoàn EU-ABC cảm ơn NHNN đã dành thời gian làm việc với đoàn và chúc mừng NHNN về thành công trong công tác điều hành chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô năm 2023. Ông cho rằng NHNN là một nhân tố quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, góp phần củng cố niềm tin và duy trì sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Phía EU-ABC cũng ghi nhận những nỗ lực của NHNN trong việc ban hành và thực thi Luật TCTD sửa đổi, và đặc biệt là các biện pháp nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng cho các tỉnh thành. EU-ABC hy vọng rằng NHNN sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các cam kết liên quan tới kinh tế xanh tại COP26, tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp EU tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực năng lượng.
Kết luận buổi họp, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho rằng với diễn biến kinh tế trong nước và thế giới biến động khó lường, mục tiêu xuyên suốt của NHNN tiếp tục là bình ổn lạm phát, duy trì tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô nhằm tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Trong quá trình đó, Phó Thống đốc hy vọng EU-ABC sẽ tiếp tục hỗ trợ NHNN trong các lĩnh vực mà cả bên đều quan tâm, bao gồm hợp tác về năng lượng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và huy động nguồn vốn tư nhân để phát triển hạ tầng.
Chi tiết tại:
#Fintech #Congnghetaichinh #dnu_fta #Bantin