(Theo TBNH) Dòng tín dụng đang chảy mạnh vào khu vực kinh tế tư nhân.
Số liệu thống kê cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp gần 50% GDP, hơn 30% thu ngân sách, tạo ra hơn 40 triệu việc làm và chiếm khoảng 85% tổng số lao động trong nền kinh tế. Với vai trò quan trọng đó, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân ra đời như một bước ngoặt, đột phá trong tư duy và hoạch định chính sách phát triển kinh tế, là sự khẳng định của Đảng về vai trò then chốt, động lực quan trọng hàng đầu của khu vực kinh tế tư nhân trong tiến trình phát triển đất nước.
Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 2415/QĐ-NHNN thực hiện Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 về Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời tiếp tục ban hành Quyết định số 2416/QĐ-NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 17/5/2025 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Các kế hoạch này đã cụ thể hóa tất cả chương trình hành động tới các đơn vị thuộc NHNN cũng như NHTM và TCTD, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận nguồn vốn.
Thực tế trong thời gian qua, ngành Ngân hàng luôn hướng nguồn tín dụng vào các lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, trong đó có các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là khu vực DNNVV. Theo thống kê của NHNN, tính đến ngày 18/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 16,73 triệu tỷ đồng, tăng 7,14% so với cuối năm 2024, tăng 18,71% so với cùng kỳ năm 2024. Đến nay, có khoảng 100 TCTD đã phát sinh tỷ lệ dư nợ đối với khu vực kinh tế tư nhân; trong đó có khoảng 209.000 DNNVV đều có phát sinh dư nợ tại các TCTD.
Ở góc độ NHTM, bà Nguyễn Bảo Thanh Vân, Phó tổng giám đốc VietinBank cho biết, các giải pháp hỗ trợ được đề ra trong Nghị quyết 68-NQ/TW đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng tích cực hơn, từ đó làm gia tăng nhu cầu tín dụng một cách lành mạnh. Khi doanh nghiệp khỏe, có nền tảng tài chính tốt và hoạt động ổn định, thì các TCTD cũng sẽ thuận lợi hơn trong việc cung ứng vốn - vừa an toàn, vừa hiệu quả.
Dù nỗ lực từ phía ngân hàng rất lớn, song nhiều doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn bày tỏ họ gặp khó khi tiếp cận tín dụng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ hồ sơ tài chính thiếu minh bạch, không đủ tài sản thế chấp, năng lực quản trị hạn chế và thiếu kế hoạch kinh doanh rõ ràng...
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhấn mạnh hai trụ cột để phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới. Đầu tiên là cải cách thể chế. Hệ thống pháp luật thiên về quản lý, “không quản được thì cấm” cần phải được chuyển sang một hệ thống pháp luật thông thoáng, tạo môi trường thực sự tự do kinh doanh, tự do sáng tạo, kinh doanh bình đẳng với một chi phí tuân thủ thấp, không gặp rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh. Thứ hai, về phần vốn từ doanh nghiệp, cần tạo ra một môi trường, hệ thống chính sách hỗ trợ, khuyến khích thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân.
“Khuôn khổ để doanh nghiệp phát triển không chỉ là vốn tín dụng, mà còn là vốn đầu tư dài hạn. Như vậy, Nhà nước cần mở ra thị trường vốn đầu tư đa dạng hơn, giảm gánh nặng cho phía ngân hàng. Phải phát triển thị trường vốn có các loại quỹ, điều mà hiện nay chúng ta đang thiếu rất nhiều. Vì thiếu nên nhiều doanh nghiệp chưa phát triển được…”, chuyên gia nhấn mạnh.
Chi tiết tại:
https://thoibaonganhang.vn/dong-tin-dung-dang-chay-manh-vao-khu-vuc-kinh-te-tu-nhan-166647.html
(Theo TPO) Cảnh báo 'vòng xoáy nợ nần' khi dùng đòn bẩy tài chính mua nhà.
Theo nhiều chuyên gia, thời điểm này, nhà đầu tư cũng như người mua nhà để ở nên thận trọng dùng đòn bẩy tài chính, bởi nếu sử dụng sai cách đòn bẩy này, có thể rơi vào “vòng xoáy nợ nần”.
Chị Minh Hoa (phường Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Tôi vừa quyết định bán căn hộ chung cư mua cách đây 2 năm để trả ngân hàng chứ không gồng gánh được tiền trả gốc và lãi hằng tháng".
Chị Hoa cho biết, chị mua căn hộ rộng 65m2 giá hơn 3 tỷ đồng. "Lúc đó, tôi mua theo tiến độ và được hỗ trợ lãi suất 0% cho đến khi nhận nhà. Tôi bỏ ra 1 tỷ đồng và vay ngân hàng hơn 2 tỷ để mua nhà. Khi nhận nhà, năm đầu tiên, tôi phải trả cả gốc và lãi lên tới hơn 20 triệu đồng/tháng. Thời điểm đó, tâm lý có nhà mới nên 2 vợ chồng cố gắng làm ngày làm đêm trả nợ tiền nhà. Thế nhưng năm nay, công việc khó khăn, thu nhập của 2 vợ chồng tôi giảm một nửa nên mỗi lần đến ngày trả nợ đều chạy ngược chạy xuôi", chị Hoa nói.
Sau nhiều đêm mất ngủ, chị Hoa bàn với chồng bán căn nhà hiện tại, chấp nhận đi ở thuê để "nhẹ đầu". "Cũng may tôi bán nhà với giá cao hơn nên sau khi trừ tiền vay ngân hàng, vợ chồng tôi cũng có một khoản dư gửi ngân hàng đủ để trả tiền thuê nhà hằng tháng. Từ ngày bán nhà, không phải trả nợ ngân hàng, tôi ngủ ngon hơn hẳn", chị Hoa nói.
Trong bối cảnh tài chính eo hẹp, đòn bẩy tín dụng được xem là công cụ then chốt giúp người trẻ tiếp cận nhà ở. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cảnh báo rằng, nếu sử dụng sai cách, đòn bẩy này có thể biến thành “vòng xoáy nợ nần”.
Theo ông, chỉ nên vay tối đa 80% trị giá căn nhà và đảm bảo khoản trả nợ hằng tháng không vượt quá 50% thu nhập ròng. Bên cạnh đó, cần có quỹ dự phòng ít nhất tương đương mức có thể trả nợ từ 6 - 12 tháng, để tránh rơi vào khủng hoảng nếu thất nghiệp hoặc biến động kinh tế.
Tuy vậy, hiện lãi suất cho vay thương mại vẫn ở mức 8 -10%/năm, khá cao so với thu nhập của người trẻ. Trong khi đó, thời hạn vay thường chỉ 15 - 20 năm, ngắn hơn so với khả năng chi trả thực tế, khiến áp lực trả nợ hằng tháng rất lớn.
Ngoài ra, ông Hiếu khuyến nghị người trẻ cần tính toán kỹ khả năng trả nợ trước khi quyết định vay, tránh tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) dễ bị quá sức. Việc lập bảng thu - chi và thử các kịch bản biến động thu nhập, lãi suất là rất cần thiết để đánh giá mức độ an toàn của khoản vay.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, khoảng cách giữa thu nhập và giá nhà hiện nay “rất xa”. Nếu chỉ trông vào tiền lương, người trẻ phải mất 20-25 năm không chi tiêu mới đủ tiền mua nhà. Vì vậy, cần 3 điểm tựa để thực hiện đòn bẩy tài chính: lựa chọn căn nhà phù hợp, lựa chọn đối tác tài chính an toàn và có phương án tài chính cá nhân rõ ràng. Không nên vay nóng, tín dụng đen để mua nhà.
Chi tiết tại:
https://tienphong.vn/chuyen-gia-luu-y-can-trong-khi-dung-don-bay-tai-chinh-mua-nha-post1756514.tpo
(Theo VNBussiness) Tín dụng tăng nhanh, cẩn trọng kiểm soát rủi ro.
Tăng trưởng tín dụng sẽ hoàn thành mục tiêu 16% hoặc hơn nếu các tín hiệu hồi phục của nền kinh tế trong nước và thế giới khởi sắc. Tuy nhiên, dư nợ tín dụng cao gấp đối GDP là dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro của hệ thống và có thể gây hệ lụy cho nền kinh tế.
Đây là tín hiệu rõ ràng thể hiện nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân đang phục hồi nhanh chóng, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và trong nước vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức và bất ổn.
Nhiều lãnh đạo ngân hàng chia sẻ rằng trong 6 tháng đầu năm, tín dụng đang tăng trưởng tốt. Tín dụng được hỗ trợ bởi nhu cầu thị trường vẫn có trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp.
Ghi nhận ở ngân hàng ngoại Shinhan Bank Việt Nam, tăng trưởng tín dụng đến trung tuần tháng 6 cũng đạt trên 6,5%. Ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối khách hàng cá nhân Shinhan Bank Việt Nam, cho biết cấu phần cho vay của nhà băng năm nay có sự khác biệt so với các năm trước. Trong bối cảnh nhu cầu từ khối bán lẻ thấp, tỷ trọng cho vay phân khúc này giảm trong khi dư nợ giải ngân chuyển dịch nhiều hơn sang khúc doanh nghiệp.
Trước những diễn biến tích cực, các chuyên gia kinh tế đều dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 sẽ đạt từ 16% trở lên. Trong bối cảnh đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh khả năng NHNN sẽ sẵn sàng mở room tín dụng bổ sung trong các tháng cuối năm 2025 nếu cần thiết nhằm đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2025 của các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, vừa được NHNN công bố, các TCTD cho biết trong quý II nhu cầu vay vốn và sử dụng dịch vụ thanh toán, thẻ được ghi nhận cải thiện mạnh mẽ hơn so với nhu cầu gửi tiền.
Các TCTD lạc quan dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trong quý III/2025 và cả năm 2025, với 62,6% TCTD kỳ vọng nhu cầu vay vốn tăng mạnh, vượt xa nhu cầu thanh toán và gửi tiền. Trong đó, dư nợ tín dụng được dự báo tăng 4,7%, trong đó VND và ngoại tệ lần lượt đạt 4,7% và 4,8% trong quý III. Theo đó, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2025 lên 16,8%, vượt xa tốc độ tăng thực tế của năm 2024.
Tuy nhiên, tại nghị trường Quốc hội gần đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, dư nợ tín dụng trên GDP ở mức 134% vào cuối 2024. Việc tiếp tục dựa vào vốn ngân hàng, Thống đốc Hồng nói sẽ tiềm ẩn rủi ro của hệ thống và có thể gây hệ lụy cho nền kinh tế.
Một nền kinh tế có quy mô dư nợ tín dụng ngày càng vượt xa so với tổng giá trị sản phẩm có thể tạo ra mỗi năm, đồng nghĩa với gánh nặng nợ của các hộ gia đình/doanh nghiệp trong quốc gia đó đang tăng lên. Khi đó, trước áp lực trả lãi và nợ vay ngày càng gia tăng, các thực thể trong nền kinh tế buộc phải giảm tiêu dùng và đầu tư, khả năng vay vốn dần bị hạn chế, tất yếu ảnh hưởng đến các động lực tăng trưởng kinh tế.
Về phía các ngân hàng, với dư địa tăng trưởng tín dụng rộng mở, trong bối cảnh cầu vốn ở khu vực sản xuất phần nào bị hạn chế, dòng vốn dễ dãi sẽ ưu tiên lựa chọn các ngành có tài sản thế chấp dễ định giá như bất động sản, hơn là khu vực đổi mới sáng tạo, kéo giảm năng suất của nền kinh tế về dài hạn. Việc tỷ trọng dư nợ tín dụng dành cho các lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức thấp dù nhà điều hành đã có nhiều chính sách khuyến khích và thúc đẩy thời gian qua, trong khi tài sản thế chấp tại các ngân hàng hiện nay vẫn chủ yếu là bất động sản, là minh chứng rõ nhất cho thấy dòng vốn đang giành ưu tiên khu vực nào.
Để kiểm soát rủi ro, Thống đốc cho biết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được kiểm soát, điều chỉnh phù hợp thực tế. Chính sách tiền tệ cũng được điều hành linh hoạt, hợp lý để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Bà nhấn mạnh để tăng trưởng cao, phát triển bền vững, các bộ ngành, nhất là Bộ Tài chính, cần lưu ý cân đối nguồn vốn cho các dự án đầu tư lớn, trọng điểm; thời gian phân kỳ, dự phòng vốn cho các dự án để không bị động và không tạo áp lực thu xếp vốn.
Chi tiết tại:
https://vnbusiness.vn/ngan-hang/tin-dung-tang-nhanh-can-trong-kiem-soat-rui-ro-1107847.html
#Fintech #Congnghetaichinh #dnu_fta #Bantin