(Theo BNews) Tăng trưởng tín dụng cho công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao gấp đôi mức trung bình của nền kinh tế.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 3/7, trả lời câu hỏi về dòng vốn tín dụng chảy ra nền kinh tế tập trung vào những lĩnh vực nào, tỷ trọng bao nhiêu, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, tính đến ngày 26/6/2025, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024, tăng 18,87% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ năm 2023 đến nay.
Để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 là 16% có điều chỉnh theo tình hình thực tế.
Về cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp, trong đó, ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 6,37%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 12,84%; ngành xây dựng chiếm 7,53% (trong đó có các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng); các ngành dịch vụ có quy mô dư nợ lớn nhất toàn hệ thống, chiếm 23,74%.
Ngoài ra, một số ngành có tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá; trong đó, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên góp phần thúc đẩy tăng trưởng, như: nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ nền kinh tế lần lượt là 23,16% và 17,51%.
Trong khi lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao gấp đôi mức trung bình của nền kinh tế lần lượt là 15,69% và 17,59%.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã tích cực giải ngân cho các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như: Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản thành đã nâng quy mô từ 15.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng, Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Một số chương trình khác như: cho vay nhà ở xã hội; cho vay người trẻ dưới 35 tuổi mua, thuê, thuê mua Nhà ở xã hội, Chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số, các chương trình tín dụng chính sách... cũng đang được các tổ chức tín dụng tích cực triển khai.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Trong khi các ngân hàng thương mại tích cực thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động, tiết kiệm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Hiện lãi suất cho vay bình quân ở mức 6,38%/năm, giảm khoảng 0,6%/năm so với cuối năm 2024.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Theo dõi sát tình hình thị trường để chủ động, kịp thời điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Đồng thời, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Chi tiết tại:
(Theo báo Xây Dựng) Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vận động phát hành tiền điện tử ở nước ngoài.
JD.com và Ant Group - công ty liên kết của Alibaba đề xuất Trung Quốc cho phép ra mắt stablecoin ở Hồng Kông, gắn với nhân dân tệ ở nước ngoài, để thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền Trung Quốc trên toàn cầu và kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của đô la Mỹ trong lĩnh vực kỹ thuật số. Nếu nỗ lực vận động thành công, đây sẽ là bước ngoặt lớn trong cách Bắc Kinh nhìn nhận về tiền mã hóa, vốn bị cấm vào năm 2021 và có thể định hình lại chiến lược của Trung Quốc trong việc thúc đẩy sử dụng nhân dân tệ trên trường quốc tế.
Stablecoin là các token kỹ thuật số, dưới dạng tiền mã hóa, được gắn với các tài sản thanh khoản, chủ yếu là đô la Mỹ, nhưng cũng có trường hợp là vàng hoặc các loại tiền tệ khác. Công nghệ blockchain cơ bản của chúng cho phép chuyển tiền tức thời, không biên giới và hoạt động liên tục với chi phí thấp, tạo tiềm năng phá vỡ các hệ thống thanh toán xuyên biên giới truyền thống.
Cả JD.com và Ant Group đã lên kế hoạch phát hành stablecoin dựa trên đô la Hồng Kông sau khi luật mới của hòn đảo này có hiệu lực từ ngày 1/8. Tuy nhiên, trong các cuộc thảo luận kín với PBOC, JD.com lập luận rằng stablecoin nhân dân tệ ở nước ngoài là cần thiết để thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Quan điểm này cũng được một số bên khác trong ngành bày tỏ. “Sự mở rộng toàn cầu của stablecoin đô la Mỹ đang đặt ra những thách thức mới cho việc quốc tế hóa nhân dân tệ”, ông Wang Yongli, đồng chủ tịch Digital China Information Service Group, viết trong một bài đăng trên mạng xã hội tháng trước. “Sẽ là rủi ro chiến lược nếu thanh toán nhân dân tệ xuyên biên giới không hiệu quả bằng stablecoin đô la”, ông Wang, cựu phó chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc, thêm vào.
Theo nhà cung cấp dữ liệu tiền mã hóa CoinGecko, thị trường stablecoin toàn cầu hiện nay có quy mô nhỏ, khoảng 247 tỷ USD. Tuy nhiên, Ngân hàng Standard Chartered ước tính thị trường này có thể tăng lên 2 nghìn tỷ USD vào năm 2028. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, hơn 99% stablecoin hiện được định giá bằng đô la Mỹ. Trung Quốc từ lâu đã nuôi tham vọng đưa nhân dân tệ trở thành đồng tiền toàn cầu, tương tự như euro hay đô la, phản ánh vị thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, một trở ngại lớn là sự miễn cưỡng trong việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ. Tỷ trọng của nhân dân tệ trong thanh toán toàn cầu giảm xuống 2,89% trong tháng 5, mức thấp nhất trong gần hai năm, theo nền tảng thanh toán SWIFT. Trong khi đó, đô la Mỹ chiếm 48,46% thị phần.
Một số nhà xuất khẩu cho rằng các biện pháp kiểm soát vốn trong nước, căng thẳng địa chính trị và rủi ro biến động tỷ giá ở các thị trường mới nổi nhỏ hơn đã thúc đẩy việc chuyển sang sử dụng stablecoin. Crypto HK, sàn giao dịch OTC tiền mã hóa lớn nhất Hồng Kông, cho biết khối lượng giao dịch USDT hàng tháng của khách hàng Trung Quốc cho mục đích thanh toán thương mại đã tăng gấp 5 lần kể từ năm 2021.
Cố vấn PBOC Huang Yiping nói với truyền thông địa phương trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng stablecoin nhân dân tệ ở nước ngoài tại Hồng Kông là “một khả năng”. Một nguồn tin cho biết Ant Group đang chuẩn bị xin cấp phép stablecoin tại Hồng Kông và Singapore, đồng thời sẵn sàng cho stablecoin nhân dân tệ ở nước ngoài.
Chủ tịch JD.com Richard Liu cũng tiết lộ kế hoạch xin cấp phép tại các quốc gia có đồng tiền chính trên toàn cầu, nhằm hỗ trợ ngoại hối và thanh toán xuyên biên giới. Trong các cuộc thảo luận với PBOC, JD.com lập luận rằng cần có stablecoin gắn với nhân dân tệ vì đô la Hồng Kông được gắn với đô la Mỹ, điều này không giúp thúc đẩy sử dụng nhân dân tệ trong thương mại, một nguồn tin cho biết.
JD.com đề xuất Trung Quốc cho phép phát hành stablecoin nhân dân tệ tại Hồng Kông, trước khi mở rộng chương trình thử nghiệm sang các thị trường nước ngoài trong các khu vực thương mại tự do của Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng đề xuất này đã được các nhà quản lý đón nhận tích cực.
Chi tiết tại:
(Theo TBTC) Củng cố tín nhiệm để phục hồi thị trường trái phiếu.
Quy định mới về đòn bẩy tài chính tạo thêm lớp lọc tín dụng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, dòng tiền bền vững, khơi thông pháp lý bất động sản và củng cố tín nhiệm tổ chức phát hành đang được kỳ vọng là ba trụ cột quan trọng giúp thị trường phục hồi ổn định trong giai đoạn tới.
Ngày 17/6, Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp sửa đổi, quy định từ 1/7/2025, các công ty không đại chúng chỉ được phát hành trái phiếu riêng lẻ nếu tỷ lệ nợ phải trả (kể cả trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu. Quy định này nhằm hoàn thiện khung pháp lý, đồng bộ với Luật Chứng khoán 2024 áp dụng cho công ty đại chúng.
Mặc dù đòn bẩy tài chính cao là một rủi ro tín dụng đáng lưu ý đối với các tổ chức phát hành có chất lượng tín dụng thấp, chuyên gia từ VIS Rating cũng chỉ ra nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các trường hợp chậm thanh toán trái phiếu không phải do đòn bẩy mà do dòng tiền yếu và quản trị thanh khoản kém.
“Trong số 182 doanh nghiệp đã chậm trả trái phiếu, chưa đến 25% có tỷ lệ đòn bẩy vượt ngưỡng 5 lần hoặc vốn chủ sở hữu âm. Ngược lại, 75% doanh nghiệp còn lại có tỷ lệ đòn bẩy trung bình chỉ khoảng 2,8 lần - tương đương với mức bình quân của các tổ chức phát hành khác không bị vỡ nợ” - ông Duy nêu rõ.
Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn nằm ở khả năng tạo dòng tiền. Có tới 90% các tổ chức chậm trả không thể tạo đủ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh để trả lãi đúng hạn hoặc thiếu thanh khoản để trả nợ gốc. Ngoài ra, gần 40% trái phiếu chậm trả có kỳ hạn rất ngắn, từ 1 - 3 năm, thường được dùng để tài trợ cho các dự án dài hạn - vốn không tạo dòng tiền kịp thời. Khi không có dòng tiền ổn định, doanh nghiệp buộc phải tái cấp vốn - tức vay mới để trả nợ cũ và điều này khiến tới 85% các trường hợp chậm trả xảy ra chỉ trong ba năm đầu kể từ ngày phát hành.
Một yếu tố khác khiến rủi ro gia tăng là chất lượng tài sản đảm bảo. Khoảng 40% số trái phiếu chậm trả có tài sản đảm bảo, nhưng nhiều loại tài sản khó xác định giá trị hoặc khó thanh lý, như khoản phải thu từ các dự án bất động sản, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hoặc quyền hưởng thu nhập từ dự án trong tương lai. Trong khi đó, thị trường hiện vẫn thiếu cơ chế tái cơ cấu nợ hiệu quả, còn các biện pháp xử lý pháp lý lại gặp nhiều hạn chế, khiến tỷ lệ chậm trả tiếp tục leo thang.
Nhìn về triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nửa cuối năm 2025 và năm 2026, bà Trịnh Quỳnh Giao - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ PVI (PVIAM) cho rằng, khả năng phục hồi là có cơ sở nhưng sẽ diễn ra theo lộ trình thận trọng và phụ thuộc nhiều vào tiến độ giải quyết các vấn đề tồn đọng. Trong ngắn hạn, thị trường vẫn phải đối mặt với không ít thách thức khi áp lực đáo hạn và tái cấu trúc nợ tiếp tục diễn ra. Niềm tin của nhà đầu tư khó có thể phục hồi nhanh chóng, đặc biệt nếu các nút thắt trong lĩnh vực bất động sản vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu phát hành chưa được tháo gỡ một cách triệt để.
Tuy nhiên, nếu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả, đặc biệt là các giải pháp khơi thông pháp lý và thanh khoản cho thị trường bất động sản, áp lực có thể phần nào giảm bớt, tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu dần ổn định trở lại trong nửa cuối năm.
Bước sang năm 2026, triển vọng phục hồi được đánh giá rõ nét hơn khi kỳ vọng các vướng mắc pháp lý trên thị trường bất động sản được tháo gỡ, cùng với việc tâm lý nhà đầu tư dần được củng cố, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể bước vào giai đoạn khởi sắc. Các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn sẽ có nền tảng tài chính và quản trị vững vàng hơn, sẵn sàng quay lại thị trường phát hành với chất lượng tín dụng được cải thiện. Mặc dù quy mô có thể chưa phục hồi hoàn toàn về mức đỉnh, nhưng tính ổn định và bền vững sẽ được củng cố, tạo ra nền tảng tốt hơn cho sự phát triển dài hạn.
Về nhóm doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt sự phục hồi, bà Giao cho rằng ngành Ngân hàng vẫn sẽ giữ vai trò chủ lực, nhờ nhu cầu huy động vốn phục vụ tăng trưởng tín dụng và nâng cao hệ số an toàn vốn. Các ngân hàng có uy tín, năng lực tài chính lành mạnh sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu thứ cấp để tăng cường vốn cấp 2.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất và dịch vụ cơ bản như điện, nước, hạ tầng, công nghệ thông tin, logistics và bán lẻ thiết yếu cũng được kỳ vọng trở thành điểm sáng. Đây là những ngành có dòng tiền ổn định, ít biến động theo chu kỳ kinh tế và thường có nhu cầu vốn đầu tư dài hạn. Với độ an toàn tương đối cao, nhóm này sẽ hấp dẫn nhà đầu tư tìm kiếm sự ổn định và an toàn trong trung dài hạn.
Với lĩnh vực bất động sản, mặc dù toàn ngành vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng những doanh nghiệp có dự án khả thi, pháp lý rõ ràng, quỹ đất sạch và năng lực triển khai tốt vẫn có thể tiếp cận thị trường trái phiếu trở lại. Tuy nhiên, nhóm này sẽ cần thêm thời gian để khẳng định lại sự minh bạch trong quản trị và hiệu quả kinh doanh nhằm khôi phục niềm tin từ thị trường.
Chi tiết tại:
https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cung-co-tin-nhiem-de-phuc-hoi-thi-truong-trai-phieu-179411.html
#Fintech #Congnghetaichinh #dnu_fta #Bantin