https://fta.dainam.edu.vn
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐẠI NAM
VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH
  • Tiếng Việt
  • Tiếng Việt
BẢN TIN VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH 05/07/2025

(Theo TBNH) Ngành Ngân hàng không ngừng đổi mới để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chuyển đổi số không phải là lựa chọn, mà là con đường bắt buộc để ngành Ngân hàng tồn tại và phát triển trong bối cảnh mới”. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng Việt không chỉ đặt mục tiêu chuyển đổi số, mà còn phải chuyển đổi số toàn diện và bền vững.

Hiện nay, các tổ chức tín dụng đã và đang không ngừng cạnh tranh trong việc áp dụng công nghệ số, từ hệ thống thanh toán thông minh, nền tảng ngân hàng số đến việc tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ.

Các chuyên gia đánh giá chuyển đổi số ngành ngân hàng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trong trong thời gian qua. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hoàn thiện hành lang pháp lý, đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ phục vụ ngành, xây dựng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý trung bình hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi ngày, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý hàng chục triệu giao dịch mỗi ngày.

Hệ thống thông tin tín dụng quốc gia đã nâng cấp để tự động hóa dữ liệu với tỷ lệ cập nhật trên 98%, hơn 117 triệu hồ sơ cá nhân và gần 1 triệu hồ sơ doanh nghiệp được đối chiếu sinh trắc học, đạt tỷ lệ rất cao. Các sản phẩm ngân hàng số, dịch vụ cá nhân hóa đã phát triển nhanh, số hóa hoàn toàn đa phần các nghiệp vụ cơ bản. Tính đến nay, gần 87% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng và giá trị thanh toán không dùng tiền mặt năm 2024 đạt mức gấp 25 lần GDP.

Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận, quá trình số hóa ngân hàng vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Theo ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc OCB, khó khăn lớn nhất nằm ở chỗ phải đồng thời đổi mới cả hệ thống lẫn tư duy của đội ngũ nhân sự. Xuất phát từ mô hình truyền thống, phần lớn nhân sự ngân hàng vẫn giữ lối tư duy và cách làm việc cũ. Khi triển khai các giải pháp số, đòi hỏi phải có sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và phương pháp tiếp cận vấn đề. “Đây không chỉ là thách thức về công nghệ mà còn là bài toán thay đổi văn hóa tổ chức” ông Hải chia sẻ.

Để ngành Ngân hàng chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, NHNN đang tích cực rà soát và hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng ứng dụng công nghệ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trọng tâm là phát triển mô hình ngân hàng số với hệ thống dịch vụ an toàn, tiện ích vượt trội, mang đến trải nghiệm tối ưu cho người dùng.

Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. Theo Nghị định, mục tiêu của Cơ chế thử nghiệm nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng, qua đó hiện thực hóa mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân và doanh nghiệp theo hướng minh bạch, thuận tiện, an toàn, hiệu quả với chi phí thấp.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NHNN cho biết, đối với chuyển đổi số, đây là văn bản pháp lý đầu tiên đặt nền móng cho việc triển khai cơ chế sandbox trong ngành Ngân hàng, nhằm tạo hành lang pháp lý thử nghiệm các giải pháp tài chính sáng tạo dựa trên công nghệ.

Chi tiết tại:

https://thoibaonganhang.vn/nganh-ngan-hang-khong-ngung-doi-moi-de-thuc-day-chuyen-doi-so-toan-dien-166867.html

 

(The ĐTCK) Phòng chống rửa tiền trong các giao dịch tài sản mã hóa.

Ngày 14/6/2025, Quốc hội đã thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số, có hiệu lực từ 1/1/2026. Luật công nhận tài sản số, bao gồm tài sản ảo và tài sản tiền điện tử, không bao gồm chứng khoán, tiền fiat kỹ thuật số hay công cụ tài chính.

Luật này cũng yêu cầu các biện pháp bảo vệ an ninh mạng và chống rửa tiền phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, một nỗ lực có thể nhằm giải quyết các mối quan ngại của Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính liên chính phủ (FATF).

Sự phát triển mạnh mẽ của tài sản mã hóa trên toàn cầu đặt ra cơ hội nhưng cũng đi kèm nhiều rủi ro đối với sự ổn định của hệ thống tài chính và sự phát triển của các nền kinh tế, đồng thời đặt ra thách thức cho công tác quản lý, giám sát đối với tài sản mã hóa. Trong đó, phòng chống rửa tiền đang dần trở nên phức tạp hơn do sự phát triển của công nghệ, đòi hỏi cơ quan quản lý phải tìm hiểu, tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia đi trước và vận dụng linh hoạt vào thực tế.

Theo Đạo luật MiCAR của EU, tài sản mã hóa là “đại diện kỹ thuật số của một giá trị hoặc một quyền có thể được chuyển giao, lưu trữ điện tử tạo lập trên công nghệ sổ cái phân tán hoặc công nghệ tương tự”.

Về mặt kỹ thuật, có thể hiểu tài sản mã hóa là những đồng tiền điện tử được tạo ra bằng các thuật toán mã hóa sử dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) để xác thực giao dịch. Đây là các đồng tiền phi tập trung, được giao dịch thông qua công nghệ xác thực ngang hàng (peer-to-peer) và không chịu sự quản lý, can thiệp của bất cứ cơ quan, tổ chức thứ ba nào (ví dụ ngân hàng, cơ quan nhà nước...). Một số đồng tiền mã hóa điển hình, phổ biến hiện nay là Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH), Litecoin (LTC).

Trong các đồng tiền mã hóa phổ biến, Bitcoin bị các đối tượng lợi dụng nhiều nhất. Khoảng 26% người sử dụng và gần một nửa (46%) các giao dịch tiền mã hóa Bitcoin có liên quan đến các hoạt động vi phạm pháp luật. Trong đó, các sàn giao dịch tập trung (Coinbase, Binance, Bithumb, FTX...) là kênh chủ yếu bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để rửa tiền, bởi đây là nơi các đối tượng rút từ tiền điện tử thành tiền pháp định, với trên 60% lượng tiền mã hóa liên quan đến hoạt động bất hợp pháp được rửa thông qua các sàn giao dịch tập trung.

Theo báo cáo của Chainalysis (2024), Việt Nam xếp thứ 5 toàn cầu về sở hữu tiền số sau Ấn Độ, Nigeria, Indonesia và Mỹ. Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, dòng tiền điện tử và tài sản ảo vào Việt Nam đạt khoảng 120 tỷ USD và các nhà đầu tư trong nước thu về lợi nhuận gần 1,18 tỷ USD từ các khoản đầu tư tiền điện tử, đưa Việt Nam đứng thứ ba toàn cầu về lợi nhuận từ tiền điện tử, chỉ sau Mỹ (9,36 tỷ USD) và Anh (1,39 tỷ USD). Doanh số bình quân một người dùng (user) ở Việt Nam được duy trì ở mức cao, xấp xỉ 123,5 USD/user trong giai đoạn 2017 - 2020, tăng lên 209,8 USD năm 2021, sau đó giảm xuống 50 - 80 USD trong giai đoạn 2022 - 2024.

Trong bối cảnh Việt Nam bị FATF đưa vào danh sách xám các nước cần tăng cường phòng chống rửa tiền, trong đó có tiền mã hóa, ngày 23/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Quyết định số 194/QĐ-TTg. Trong đó, Bộ Tài chính được giao chủ trì Hành động 6: “Xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, đồng thời chứng minh việc thực thi các quy định bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ trước tháng 5/2025”.

Tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng khung pháp lý thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số một cách lành mạnh.

Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 9/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 6/3/2025 của Văn phòng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết thí điểm của Chính phủ quản lý các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa.

Một số vấn đề khác cần được quan tâm như bổ sung quy định trong Luật Thương mại, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng cấm hoặc hạn chế sử dụng tiền mã hóa trong các giao dịch hàng hóa, dịch vụ. Bổ sung quy định trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư hoặc các văn bản hướng dẫn theo hướng cấm hoặc hạn chế đầu tư, góp vốn, kinh doanh tiền mã hóa. Bổ sung quy định trong Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Giao dịch điện tử, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tiến hành điều tra khi có dấu hiệu chuyển tiền lớn nghi có dấu hiệu liên quan đến chuyển tiền pháp định thành tiền mã hóa hoặc ngược lại. Bộ luật Hình sự cần quy định hành vi rửa tiền thông qua công nghệ cao, sử dụng tiền ảo, tài sản ảo là một tội danh. Việc chỉ coi đây là tình tiết tăng nặng là chưa đủ sức răn đe và ngăn chặn hiệu quả hành vi phạm tội.

Ngoài ra, trong bối cảnh các thủ đoạn rửa tiền và tài trợ khủng bố ngày càng trở nên tinh vi hơn nhờ công nghệ, các biện pháp phòng chống cũng cần phải ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm đối phó với các thủ đoạn này. 

Chi tiết tại:

https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/phong-chong-rua-tien-trong-cac-giao-dich-tai-san-ma-hoa-post372469.html

 

(Theo VNBusiness) Vì sao Ngân hàng Nhà nước đề xuất nâng hạn mức Mobile Money lên 100 triệu đồng?

 Tại dự thảo Nghị định quy định về Mobile Money đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến, cơ quan soạn thảo đề xuất nâng hạn mức rút tiền dịch vụ so với giai đoạn thí điểm hiện tại. Hiện, hạn mức sử dụng dịch vụ Mobile Money được giới hạn ở mức không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản, bao gồm các giao dịch rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.

NHNN cho rằng hạn mức trên là chưa phù hợp với nhu cầu thực tế và làm giảm tính hấp dẫn của dịch vụ Mobile Money so với các phương thức khác. "Việc nâng tổng hạn mức giao dịch tối đa lên 100 triệu đồng mỗi tháng sẽ tạo ra sự linh hoạt rất lớn, giúp dịch vụ tiền di động trở thành một công cụ thanh toán tiện lợi hơn cho các nhu cầu hằng ngày của người dân", tờ trình của NHNN nêu rõ. Đồng thời, cơ quan soạn thảo cũng cho biết các doanh nghiệp thực hiện thí điểm đề xuất tăng hạn mức này.

Quy định mới sẽ áp dụng cho các giao dịch rút tiền, chuyển tiền và thanh toán, ngoại trừ các giao dịch thuộc các lĩnh vực đặc biệt như: thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; thanh toán tiền điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí; phí bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, y tế…

Khác với ví điện tử, Mobile Money cung cấp cho người dùng một tài khoản gắn liền với thuê bao di động. Họ có thể sử dụng tài khoản này để chuyển tiền, thanh toán dịch vụ, hàng hóa. Dịch vụ được NHNN cấp phép triển khai thí điểm từ cuối 2021, trong vòng 2 năm, sau đó được gia hạn đến hết 2024. Ngày 15/4/2025, Chính phủ gia hạn thí điểm dịch vụ Mobile Money đến ngày 31/12/2025.

Theo báo cáo từ 3 nhà mạng viễn thông đang triển khai thí điểm (VNPT-Media, Viettel và MobiFone), tính đến cuối tháng 12/2024 đã có hơn 10,22 triệu tài khoản Mobile Money được đăng ký và sử dụng.

Đáng chú ý, trong số này có tới 7,31 triệu tài khoản đến từ các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo - chiếm khoảng 72% tổng số tài khoản.

Cả nước hiện có hơn 275.000 đơn vị chấp nhận thanh toán Mobile Money, trong đó có các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục, viễn thông, hành chính công. Tổng số lượng giao dịch qua các tài khoản tiền di động từ khi bắt đầu thí điểm đến cuối năm 2024 đã đạt hơn 193,89 triệu lượt, với giá trị giao dịch lũy kế hơn 6.435 tỷ đồng.

NHNN nhấn mạnh rằng việc tiếp tục duy trì dịch vụ tiền di động là cần thiết để đảm bảo hoạt động thanh toán thông suốt, đặc biệt tại những khu vực khó tiếp cận với hệ thống ngân hàng truyền thống.

Việc hoàn thiện hành lang pháp lý và nâng hạn mức giao dịch cũng là bước đi quan trọng nhằm khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời gia tăng trải nghiệm tiện lợi, hiện đại cho người dân ở mọi vùng miền...

Chi tiết tại:

https://vnbusiness.vn/ngan-hang/vi-sao-ngan-hang-nha-nuoc-de-xuat-nang-han-muc-mobile-money-len-100-trieu-dong-1107946.html

 

#Fintech #Congnghetaichinh #dnu_fta #Bantin