(Theo TBNH) Sửa đổi Thông tư 52: Tăng cường hiệu quả giám sát, nâng tầm chuẩn mực quản trị ngân hàng.
NHNN Việt Nam đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2018/TT-NHNN quy định về xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD). Việc sửa đổi không chỉ nhằm đảm bảo tính thống nhất với các quy định pháp luật mới và mô hình tổ chức lại bộ máy, mà còn tăng cường hiệu quả công tác giám sát, thúc đẩy phát triển bền vững và kiểm soát rủi ro hệ thống.
Dự thảo Thông tư được xây dựng trên cơ sở Luật NHNN, Luật Các TCTD (sửa đổi năm 2024), Nghị quyết số 190/2025/QH15, Nghị định số 26/2025/NĐ-CP. Trong đó, nhiều nội dung tại Thông tư 52 hiện hành đã không còn phù hợp với mô hình tổ chức mới ví dụ như NHNN chi nhánh khu vực thay thế NHNN cấp tỉnh), cũng như chưa đồng bộ với các quy định mới về kiểm soát đặc biệt, can thiệp sớm theo Luật Các TCTD sửa đổi.
Đáng chú ý, Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung hai chỉ tiêu mới trong tiêu chí "Chất lượng tài sản". Cụ thể, Dự thảo bổ sung quy định: Tỷ lệ dự phòng cụ thể đã trích lập so với nợ nhóm 2 đến nhóm 5; Tỷ lệ tài sản có khác bình quân so với Tổng tài sản bình quân. Theo cơ quan soạn thảo, việc bổ sung chỉ tiêu Tỷ lệ dự phòng cụ thể đã trích lập so với nợ nhóm 2 đến nhóm 5 phản ánh mức độ bao phủ nợ quá hạn, nợ xấu bằng dự phòng rủi ro đã trích lập của NHTM. Việc bổ sung tỷ lệ này sẽ giúp đánh giá được đầy đủ hơn về chất lượng tài sản của NHTM. Còn với chỉ tiêu Tỷ lệ tài sản có khác bình quân so với Tổng tài sản bình quân phản ánh mức độ tập trung của NHTM vào các tài sản có khác. Do đó, cần thiết bổ sung chỉ tiêu trên để có thêm căn cứ đánh giá tiêu chí Chất lượng tài sản của NHTM. Các bổ sung này nhằm giúp cơ quan giám sát có thêm công cụ đánh giá toàn diện, sát với rủi ro thực tế hơn.
Một điểm mới quan trọng khác là quy định cộng thêm 1 điểm cho chỉ tiêu tỷ lệ an toàn vốn nếu TCTD áp dụng sớm các tiêu chuẩn cao hơn theo khuyến nghị của Ủy ban Basel, cụ thể là vượt mức yêu cầu tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Đây là bước đi mạnh mẽ nhằm thúc đẩy hệ thống ngân hàng tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, đảm bảo an toàn vốn bền vững.
Cùng với đó, Dự thảo cũng điều chỉnh lại trọng số các tiêu chí đánh giá trong xếp hạng TCTD. Đó là tăng trọng số tiêu chí “Quản trị điều hành” (M) từ 10% lên 15%, trong đó nhóm chỉ tiêu định lượng tăng từ 3% lên 8%; Giảm trọng số tiêu chí “Kết quả hoạt động kinh doanh” (E) từ 20% xuống 15%, nhóm chỉ tiêu định lượng từ 15% xuống còn 10%.
Sự điều chỉnh này phản ánh quan điểm nhất quán trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 986/QĐ-TTg): các TCTD cần hướng đến phát triển bền vững, không vì mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn trước mắt; Nâng cao chất lượng quản trị điều hành của TCTD đồng nghĩa với yêu cầu các TCTD phải chú trọng hơn đến quản lý rủi ro, xây dựng hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực của Ủy ban Basel.
Từ khi ban hành, Thông tư 52 đã đóng vai trò là cơ sở pháp lý quan trọng giúp NHNN đánh giá toàn diện tình hình hoạt động của từng TCTD. Trên cơ sở kết quả xếp hạng, NHNN có thể xác định phương án giám sát phù hợp, từ đó phân loại, cảnh báo sớm và áp dụng các biện pháp xử lý hiệu quả. Đặc biệt, kết quả xếp hạng theo Thông tư 52 cũng là một căn cứ quan trọng trong điều hành "room" tín dụng – công cụ then chốt để NHNN kiểm soát cung tiền, hạn chế tăng trưởng nóng và bảo đảm ổn định vĩ mô.
Việc sửa đổi Thông tư 52 thể hiện quyết tâm của NHNN trong hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường hiệu quả của công tác giám sát ngân hàng, đảm bảo an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD. Những điều chỉnh về phương pháp xếp hạng, tiêu chí đánh giá, trọng số và cách khuyến khích các TCTD cải thiện quản trị là bước tiến phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu từ thực tiễn.
Chi tiết tại:
(Theo ĐTCK) Tín dụng và kiểm soát lạm phát.
Bức tranh tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng tích cực. Tính đến ngày 19/5, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 16,49 triệu tỷ đồng, tăng 5,59% so với cuối năm 2024 và tăng 18,67% so cùng kỳ năm ngoái. Tổng lượng vốn đưa ra thị trường từ đầu năm đến 19/5 đạt 873.000 tỷ đồng. Với mức tăng trưởng tín dụng năm nay 16%, tương ứng 2,5 triệu tỷ đồng, còn khoảng 1,627 triệu tỷ đồng cho 7 tháng.
Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao chỉ tiêu tín dụng xuống các ngân hàng và mới đây, Chính phủ yêu cầu NHNN nghiên cứu giao bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng theo thẩm quyền. Theo báo cáo tài chính quý I/2025 của 27 ngân hàng niêm yết, tổng số dư cho vay khách hàng của các ngân hàng này tăng 4% so với cuối năm trước, trong đó phần lớn đều ghi nhận tăng trưởng.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh Khu vực 2 cho biết, tính đến cuối tháng 5/2025, dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM ước đạt khoảng 4,085 triệu tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối năm 2024 và tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên dư nợ tín dụng trên địa bàn vượt con số 4 triệu tỷ đồng và cũng ghi nhận tốc độ tăng cao nhất trong những năm gần đây (4 tháng đầu năm 2024 tăng 1,31%, năm 2023 tăng 1,72%).
Trong đó, khối ngân hàng thương mại cổ phần có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với khối ngân hàng thương mại nhà nước, chiếm 50% tổng dư nợ trên địa bàn. Tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và hỗ trợ các nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế. Trong đó, các ngân hàng phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư, Hiệp hội doanh nghiệp để hỗ trợ kịp thời lĩnh vực xuất khẩu - một trong ba trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động trước các chính sách thuế quan của Mỹ. Các hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đối thoại chính sách và tháo gỡ vướng mắc tiếp tục được duy trì hiệu quả, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn ưu đãi để phát triển sản xuất - kinh doanh.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao, yêu cầu về vốn là rất quan trọng. Với đặc thù ở Việt Nam, nhu cầu vốn đầu tư của doanh nghiệp dựa khá lớn vào vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Do vậy, ngay từ đầu năm, NHNN đã đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16% của năm nay.
Theo NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm chính là một trong những yếu tố tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, tính đến ngày 10/4, lãi suất cho vay bình quân với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng ở mức 6,34%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2024. Đồng thời, các ngân hàng đã công bố thông tin lãi suất cho vay bình quân trên website nhằm cung cấp thêm thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay, lãi suất thấp.
Theo TS. Nguyễn Tú Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương), nếu giữ được tăng trưởng xuất khẩu 8 - 10%, củng cố được niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng tăng trưởng kinh tế, thì tín dụng sẽ tăng mạnh. Ngược lại, còn nhiều rủi ro từ bên ngoài sẽ làm giảm tăng trưởng tín dụng trong năm nay.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu tăng trưởng tín dụng cao hơn con số 16% sẽ dẫn đến nguy cơ lạm phát vượt mức 4,5% như đề ra. Chưa kể, tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh, dòng vốn có thể chảy vào những lĩnh vực như chứng khoán, vàng, bất động sản và tạo ra bong bóng, vì thế cần kiểm soát rủi ro.
Đồng quan điểm, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia tài chính - kinh tế cho rằng, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay, lượng vốn khổng lồ dự kiến bơm vào nền kinh tế sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho tổng cầu. Tuy nhiên, nếu dòng vốn tín dụng không chảy vào sản xuất - kinh doanh, mà đổ vào chứng khoán hay bất động sản kinh doanh thì nguy cơ tăng trưởng ảo và bong bóng tài chính như giai đoạn năm 2016 là rất cao.
Chi tiết tại:
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/tin-dung-va-kiem-soat-lam-phat-post372489.html
(Theo TTTC) Thủ tướng yêu cầu điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, kiểm soát chặt lãi suất và tỷ giá.
Một trong những chỉ đạo trọng tâm của Thủ tướng là yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để theo dõi sát tình hình kinh tế trong nước và quốc tế, từ đó điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và hiệu quả, phù hợp với mục tiêu tổng thể đã đề ra. Thủ tướng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 đạt khoảng 16% so với năm 2024. Đồng thời, định hướng tới năm 2026 sẽ chuyển sang điều hành tín dụng thông qua các công cụ thị trường, tiến tới xóa bỏ cơ chế hạn ngạch cấp tín dụng như hiện nay.
Để hỗ trợ đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục cắt giảm chi phí hoạt động, cải tiến thủ tục hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số nhằm hạ mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất – kinh doanh, đặc biệt là tại các lĩnh vực được ưu tiên và đóng vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt, duy trì sự hài hòa và cân bằng hợp lý với mặt bằng lãi suất. Cơ quan này cũng được giao nhiệm vụ nâng cao năng lực phân tích, dự báo, đồng thời theo sát những biến động trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, đặc biệt là các điều chỉnh chính sách từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương lớn.
Thủ tướng cũng chỉ đạo tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng trọng điểm, trong đó có gói tín dụng cho người trẻ dưới 35 tuổi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng, đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ và chuyển đổi số.
Về quản lý thị trường vàng, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP trước ngày 15/7, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, ứng phó kịp thời với những biến động bất thường.
Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính trình dự thảo Nghị quyết thí điểm về thị trường tài sản mã hóa trước thời hạn ngày 15/7, nhằm từng bước xây dựng hành lang pháp lý phù hợp cho các sản phẩm tài chính số mới nổi.
Đối với lĩnh vực tài khóa, Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để triển khai chính sách tài khóa theo hướng mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả trong phối hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Mục tiêu đề ra là phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 tăng ít nhất 20% so với dự toán.
Chính phủ cũng yêu cầu đảm bảo bố trí kịp thời, đầy đủ nguồn kinh phí cho các chính sách chi trả theo quy định tại Nghị định số 178 và số 67, cũng như các nhiệm vụ phục vụ việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Bộ Tài chính cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đặc biệt là cấp xã, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách liên quan đến mô hình hành chính mới này.
Ngoài ra, các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất tiếp tục được triển khai nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo thêm việc làm, sinh kế cho người lao động.
Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đánh giá kỹ tác động của chính sách thuế đối ứng mà Mỹ có thể áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam. Trên cơ sở đó, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người lao động trong những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 15/7.
Chi tiết tại:
#Fintech #Congnghetaichinh #dnu_fta #Bantin