(Theo DTO) Cơ hội vàng thí điểm tài sản số ở Việt Nam.
Việc tài sản số, tài sản mã hóa và tiền số được pháp luật công nhận tại Luật Công nghiệp Công nghệ số, cũng như được xác định là công nghệ chiến lược quốc gia tại Quyết định 1131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, là bước ngoặt pháp lý, kỳ vọng tạo ra đột phá với thị trường tài sản mã hóa nói riêng và nền kinh tế số nói chung.
Theo dữ liệu cập nhật của CoinMarketCap ngày 2/7, tổng vốn hóa thị trường tài sản số toàn cầu đạt 3.270 tỷ USD, với hơn 500 triệu người dùng từng sở hữu hoặc giao dịch ít nhất một loại tài sản mã hóa.
Việc Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp Công nghệ số vào ngày 14/6 là một trong những đạo luật đầu tiên trên thế giới được thiết kế riêng cho ngành công nghiệp công nghệ số, bao trùm các lĩnh vực then chốt như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và tài sản số.
Những con số ấn tượng này phản ánh vị thế ngày càng quan trọng của tài sản số trong hệ thống tài chính quốc tế. Không chỉ là công cụ đầu tư, tài sản mã hóa đang định hình lại cách thức vận hành của thị trường vốn, tạo điều kiện tiếp cận tài chính rộng mở hơn và thúc đẩy làn sóng đổi mới trong nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy thị trường tài sản mã hóa vẫn đang ở giai đoạn ban đầu và là cơ hội “chia đều” cho mọi nền kinh tế, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.Tính đến tháng 5, theo báo cáo của Atlantic Council - một tổ chức tư vấn chiến lược có trụ sở tại Mỹ, 45 trong số 75 quốc gia tham gia khảo sát (tương đương 60%) đã hợp pháp hóa tài sản số, tăng thêm 12 quốc gia so với thời điểm tháng 8/2024. Điều này phản ánh xu hướng luật hóa tài sản số đang diễn ra một cách mạnh mẽ.
Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một số nền kinh tế như Hồng Kông hay Thái Lan đều có khung pháp lý đầy đủ để quản lý thị trường tài sản mã hóa theo hướng thúc đẩy đổi mới sáng tạo hơn là quản lý hành chính đơn thuần.
Từ năm 2024, Thái Lan miễn thuế VAT với giao dịch tài sản mã hóa qua sàn hợp pháp, tiến tới miễn thuế thu nhập cá nhân nếu giao dịch qua nền tảng được cấp phép từ 2025–2029. Đây là minh chứng rõ ràng cho tư duy mở cửa và đánh giá cao vai trò của tài sản số như một kênh đầu tư chiến lược.
Việt Nam đi sau nên có cơ hội học hỏi, nghiên cứu các điểm mạnh từ những mô hình quản lý hiện tại. Nếu chúng ta xem xét kỹ lưỡng và tiếp cận theo hướng cởi mở, linh hoạt, trên cơ sở tham khảo các mô hình chính sách quốc tế, chắc chắn sẽ xây dựng được một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch.
Các văn bản này đều cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước được thể hiện trong Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và quyết định số 1236 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Điều này cho thấy, Việt Nam đang có cơ hội để hoàn thiện khung pháp lý toàn diện và phù hợp ở giai đoạn sớm, không chỉ đảm bảo tính thực thi hiệu quả, mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam có thể đón đầu xu hướng phát triển của thị trường tài sản mã hóa toàn cầu.
Tại Việt Nam, các địa phương có cơ chế đặc thù và tiềm lực công nghệ như TPHCM và Đà Nẵng - những nơi sẽ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế - hoàn toàn có thể đóng vai trò “vùng thử nghiệm”, từ đó đúc rút kinh nghiệm để mở rộng quy mô trên cả nước. Sự tham gia chủ động từ phía chính quyền địa phương sẽ là yếu tố then chốt giúp mô hình thí điểm vận hành hiệu quả và tạo được sự tin tưởng từ phía người dân.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, tài sản số là một lĩnh vực mới mẻ, phức tạp và thay đổi nhanh chóng. Do đó, việc đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu về blockchain, tài sản mã hóa và kinh tế số cần được xem là ưu tiên chiến lược trong giai đoạn tới.
Chi tiết tại đây: https://dantri.com.vn/tam-diem/co-hoi-vang-thi-diem-tai-san-so-o-viet-nam-20250704170745574.htm
Có thể nói, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội vàng – cơ hội để chuyển hóa tiềm năng tài sản số thành giá trị kinh tế thực tiễn, bền vững và đột phá, góp phần định hình tương lai tài chính – công nghệ và tạo nên một diện mạo mới cho nền kinh tế số Việt Nam.
(Theo Chinhphu.vn) Thị trường tài sản mã hóa: Thí điểm để khai mở tương lai
Khi thế giới bước vào kỷ nguyên của blockchain, Web3 (Web3 là internet phi tập trung, do người dùng làm chủ) và trí tuệ nhân tạo, khái niệm tài sản cũng đang được tái định nghĩa.
Tài sản mã hóa gồm nhiều hình thức khác nhau, nhưng phổ biến nhất là năm loại: tiền mã hóa như Bitcoin, Ethereum – hoạt động như vàng số hoặc phương tiện thanh toán xuyên biên giới; các loại token gồm token tiện ích – như phiếu sử dụng dịch vụ kỹ thuật số; token chứng khoán – đại diện cho quyền sở hữu tài chính như cổ phần, trái phiếu; token gắn với tài sản thật – như bất động sản, vàng, tín chỉ carbon.
Tính đến giữa năm 2025, thị trường tài sản mã hóa toàn cầu đã vượt mốc 2.000 tỷ USD.
Đặc biệt với Việt Nam – một quốc gia đông dân, có nền tảng công nghệ đang phát triển và cộng đồng startup năng động – chậm trễ trong xây dựng thể chế cho tài sản mã hóa sẽ đồng nghĩa với việc bỏ lỡ hàng loạt mô hình kinh tế đang làm thay đổi trật tự toàn cầu.
Ở góc độ tài chính toàn diện, DeFi (tài chính phi tập trung) đang giúp người dân ở những vùng xa, không tiếp cận được ngân hàng, có thể vay vốn, gửi tiết kiệm, đầu tư và bảo hiểm qua điện thoại di động.
Trong thế kỷ XXI, chủ quyền quốc gia không còn chỉ nằm ở biên giới địa lý, mà ngày càng được xác lập trong không gian số: ai làm chủ dữ liệu, công nghệ, tài sản và dòng tiền số – người đó nắm quyền kiểm soát thực chất đối với tương lai phát triển.
Thị trường tín chỉ carbon – một lĩnh vực quan trọng trong chiến lược đạt Net Zero – cũng có thể được minh bạch hóa nhờ blockchain. Châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc đều đang thí điểm token hóa tín chỉ carbon để giao dịch minh bạch, truy xuất nguồn gốc và kết nối thị trường toàn cầu. Nếu Việt Nam không triển khai công nghệ này, sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước sẽ khó cạnh tranh, khó kiểm soát và kém hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên, để Nghị quyết thật sự hiệu quả, phù hợp với cả yêu cầu hội nhập và đặc thù thể chế trong nước, cần cân nhắc một số khuyến nghị thiết thực.
Chúng ta không thể đi sau để rồi bị dẫn dắt. Việt Nam cần đi trước, thí điểm để hiểu, hiểu để quản trị và quản trị để dẫn dắt.
Chi tiết tại đây: https://baochinhphu.vn/thi-truong-tai-san-ma-hoa-thi-diem-de-khai-mo-tuong-lai-102250708033054458.htm
(Theo tạp chí Tài chính) Ngân hàng loại bỏ gần 86 triệu tài khoản "chết", khách hàng bị lừa đảo giảm 57%
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến ngày 27/6/2025, đã có hơn 119 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân (CIF) được đối chiếu, cập nhật thông tin sinh trắc học qua căn cước công dân (CCCD) gắn chip hoặc ứng dụng VneID - đạt 100% tổng lượng tài khoản cá nhân phát sinh giao dịch trên kênh số.
Ngoài ra, còn có hơn 1,1 triệu hồ sơ khách hàng tổ chức đã được đối chiếu thông tin sinh trắc học, đạt hơn 100% tổng số lượng tài khoản thanh toán tổ chức phát sinh giao dịch trên kênh số. Đồng thời góp phần loại bỏ gần 86 triệu tài khoản “chết”.
Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) đã phối hợp với C06, Bộ Công an hoàn thành 6 đợt đối chiếu, làm sạch dữ liệu khách hàng với khoảng 57 triệu lượt hồ sơ khách hàng theo phương thức offline.
Sau một thời gian làm sạch cơ sở dữ liệu khách hàng, áp dụng giải pháp đối khớp thông tin sinh trắc học, so với cùng kỳ năm 2024, số lượng khách hàng cá nhân bị lừa đảo, mất tiền giảm 57%, số lượng tài khoản cá nhân nhận tiền lừa đảo giảm 47%.
Nghị quyết số 57/NQ-TW của Bộ Chính trị cũng đã nhấn mạnh về việc phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Thời gian tới, NHNN sẽ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản nhằm thúc đẩy chuyển đổi số. Các nội dung trọng tâm bao gồm: xây dựng và hoàn thiện quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng, và trình ban hành Nghị định về dịch vụ Mobile Money trong năm 2025.
Ngành Ngân hàng xác định, việc tạo lập và phát triển hệ sinh thái số là điều kiện trực tiếp và cũng là định hướng quan trọng để phát triển hệ thống ngân hàng hiệu quả và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Chi tiết tại đây: https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang-loai-bo-gan-86-trieu-tai-khoan-chet-khach-hang-bi-lua-dao-giam-57.html
Viện Công nghệ Tài chính, Trường Đại học Đại Nam
Hotlines/Zalo: 090 224 4966
Email: fta@dainam.edu.vn
TikTok: viencongnghetaichinh
Địa chỉ: P606, Tòa Startup Building, Trường Đại học Đại Nam, Số 1, Phố Xốm, Phường Phú Lương, TP. Hà Nội
#DaiHocDaiNam #viencongnghetaichinh #dnufta #ChọnĐạiNamChạmThànhCông #fintech #Vinguoihoctantam #Totnghiepnhanh_Vieclamngay