https://fta.dainam.edu.vn
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐẠI NAM
VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH
  • Tiếng Việt
  • Tiếng Việt
BẢN TIN VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH 10/06/2025

(Theo CafeF) Thường trực Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi tiếp tay thao túng giá bất động sản, tạo mặt bằng giá 'ảo', làm 'méo mó' thị trường.

Thông báo số 294/TB-VPCP ngày 9/6/2025 kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về tình hình thị trường bất động sản nêu rõ, thị trường bất động sản có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, tác động đến chuỗi sản xuất, thị trường vốn, tín dụng, lao động..., nhất là vấn đề nhà ở và nhà ở xã hội cho người dân là vấn đề an sinh xã hội. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan để tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong những tháng đầu của năm 2025, thị trường bất động sản đã có nhiều khởi sắc, theo đó nguồn cung, lượng giao dịch bất động sản đều tăng so với cùng kỳ năm 2024.

Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường bất động sản còn chưa tương xứng với tiềm lực do vẫn còn tồn tại, vướng mắc gây cản trở sự phát triển của thị trường bất động sản, như: nguồn cung hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường; cơ cấu sản phẩm chưa cân đối, thiếu nhà ở phù hợp với nhu cầu của người lao động, người trẻ, thừa biệt thự, nhà thấp tầng; giá bất động sản, nhà ở chưa phù hợp với khả năng của người có nhu cầu; tình trạng đầu cơ, thao túng, thổi giá, lũng đoạn thị trường vẫn còn tồn tại...

Thường trực Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung cho vay, giải ngân đối với các dự án nhà ở thương mại có giá phù hợp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025; cắt giảm các thủ tục, điều kiện để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; nghiên cứu gói tín dụng cho vay đối với người trẻ tuổi có nhu cầu mua nhà.

Tập trung chỉ đạo, đôn đốc các ngân hàng tham gia Chương trình tín dụng cho vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng, đồng thời nghiên cứu, có gói tín dụng trung hạn với lãi suất ổn định đối với các dự án nhà ở thương mại giá phù hợp.

Chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát kỹ lưỡng, kiểm tra các tổ chức tín dụng cho vay có tài sản bảo đảm là bất động sản; định giá khách quan, hợp lý, tuân thủ quy định và tập trung quản lý rủi ro tín dụng; xử lý nghiêm các hành vi tiếp tay để thao túng giá, tạo mặt bằng giá mới "ảo", làm mất ổn định và "méo mó" thị trường.

Chi tiết tại:

https://cafef.vn/thuong-truc-chinh-phu-yeu-cau-ngan-hang-nha-nuoc-kiem-tra-va-xu-ly-nghiem-cac-hanh-vi-tiep-tay-thao-tung-gia-bat-dong-san-tao-mat-bang-gia-ao-lam-meo-mo-thi-truong-188250610081005318.chn

 

(Theo TBNHO) Cần cơ chế thoáng hơn cho các khoản nợ thuế “li ti”.

Những khoản nợ thuế từ 2.000 - 10.000 đồng đang tồn tại trên hệ thống quản lý thuế gây khó khăn cho cả người dân và ngành thuế trong việc xử lý do chi phí để thu quá lớn so với số thuế thu được.

Hiện tượng phát sinh các khoản nợ thuế rất nhỏ, thường được gọi là “nợ li ti”, đang là vấn đề gây khó khăn cho cả người dân và cơ quan quản lý. Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong hơn 1,4 tỷ khoản nợ thuế từ 2.000 đến 10.000 đồng, có 344 triệu khoản nợ dưới 2.000 đồng, 500 triệu khoản nợ dưới 5.000 đồng và 556,3 triệu khoản nợ dưới 10.000 đồng. Điều đáng nói là phần lớn số khoản nợ này là tiền phạt chậm nộp, chỉ tính riêng khoản nợ khoảng 10.000 đồng, có 80% là tiền phạt chậm nộp. Để quản lý loại nợ này, cơ quan thuế phải đầu tư các chi phí cho việc duy trì, vận hành quản trị hệ thống, chi phí lưu trữ trên các hệ thống quản lý thuế để xử lý, tính tiền chậm nộp, gửi thông báo nợ và thông báo thuế... cho người nộp thuế, chưa kể cũng phát sinh các chi phí xã hội cho người nộp thuế và các đơn vị phối hợp thu thuế.

 

Lý giải về những nguyên nhân dẫn đến việc phát sinh các khoản “nợ li ti” trên, ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín phân tích, có nhiều lý do, trong đó phổ biến là việc doanh nghiệp, cá nhân nộp thuế dựa trên số liệu thông báo ban đầu mà không tính toán thêm số tiền phát sinh do chênh lệch hoặc chậm nộp tính đến ngày nộp thực tế. Một nguyên nhân khác xuất phát từ cách thức theo dõi thuế của cơ quan thuế hiện nay là theo chương và tiểu mục, đôi khi gây nhầm lẫn cho người nộp, dẫn đến tình trạng nộp thừa khoản này nhưng lại thiếu ở khoản khác. Quy trình điều chỉnh các sai sót này bằng “thư tra soát” lại khá phức tạp. Do số tiền nợ thuế quá nhỏ, đa phần người nợ thuế vô tình không biết nên chưa thực hiện nghĩa vụ. Về phía cơ quan thuế, việc bố trí nhân lực để truy thu hay đốc thúc những khoản nợ chỉ vài nghìn đồng phát sinh cách đây vài năm là điều không khả thi và gây lãng phí nguồn lực.

Do đó nhiều chuyên gia đề xuất, các khoản nợ thuế nhỏ nên được xóa định kỳ để làm sạch hệ thống. Ông Nguyễn Văn Được kiến nghị, cần mở rộng cơ chế bù trừ cho phép doanh nghiệp tự động điều chỉnh các khoản nộp thừa hoặc thiếu, giảm thủ tục rườm rà. Hiện nay Luật Quản lý thuế đã quy định cá nhân được miễn thuế thu nhập cá nhân khi có thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh số thuế phải nộp sau quyết toán của từng năm từ 50.000 đồng trở xuống. Do vậy cũng cần xóa các khoản nợ thuế từ 50.000 đồng với cá nhân và từ 1 triệu đồng với doanh nghiệp nếu doanh nghiệp không còn hoạt động.

Ngoài ra, trong bối cảnh công tác quản lý thuế ngày càng được hiện đại hóa, theo các chuyên gia, người nộp thuế có khả năng chủ động tra cứu tình trạng nợ thuế của bản thân. Mọi nghĩa vụ, dù chỉ vài nghìn đồng, đều được hiển thị trên hệ thống, giúp người nộp thuế có cái nhìn minh bạch và đầy đủ nhất, tránh băn khoăn “nợ từ đâu ra” như các ví dụ đã nêu. Cùng với đó, nó giúp ngăn ngừa việc phát sinh thêm tiền chậm nộp trên chính những khoản nợ nhỏ không được phát hiện sớm. Khi kết quả tra cứu cho thấy có công nợ (dù nhỏ), người nộp thuế có thể ngay lập tức thực hiện thanh toán chính xác số tiền còn thiếu thông qua các kênh điện tử được tích hợp. Bằng cách này, họ đảm bảo rằng mọi nghĩa vụ thuế đã được hoàn thành một cách đầy đủ và kịp thời theo đúng quy định pháp luật, tránh những phiền hà không đáng có từ các khoản nợ “li ti” tồn đọng.

Chi tiết tại:

https://thoibaonganhang.vn/can-co-che-thoang-hon-cho-cac-khoan-no-thue-li-ti-165440.html

 

(Theo báo Đại Đoàn Kết) Một số hộ kinh doanh phản ánh gặp khó khăn khi chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Nghị định số 70/2025/NĐ-CP có quy định hộ, cá nhân kinh và doanh nghiệp (DN) có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trong đó có bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Việc quản lý hóa đơn, chứng từ điện tử sẽ được áp dụng theo quy trình mới nhằm giảm rủi ro, nâng cao hiệu quả giám sát hóa đơn.

Theo Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, hiện nhiều sạp hàng, siêu thị mini đã có máy tính tiền, máy POS có thể xuất hoá đơn ngay. Nhưng tại các chợ dân sinh việc kết nối thiết bị in hoá đơn còn nhiều khó khăn.

Một số hộ kinh doanh tỏ ra lo lắng, nếu doanh thu từ hoá đơn tăng đột biến thì có bị truy thu những tháng trước không, đặc biệt là với hộ đang áp dụng khoán. Cũng có hộ lo ngại, việc kê khai thuế năm nay cao hơn nhiều so với năm 2024, vậy phần chênh lệch có bị truy thu không.

Về vấn đề này, đại diện Ban Chính sách, thuế quốc tế - Cục Thuế cho biết: Việc hộ khoán có cần chuyển sang kê khai hay không đã được hướng dẫn rõ trong Thông tư 40 và Thông tư 100/2021 của Bộ Tài chính. Trong đó, nếu doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm thì bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền. Đối với trường hợp không có hóa đơn đầu vào (mua từ cá nhân tiêu dùng hoặc nông dân), hộ kinh doanh có thể sử dụng hợp đồng mua bán, chứng từ thanh toán để chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Không bắt buộc cá nhân bán phải xuất hóa đơn trong trường hợp này.

Cơ quan thuế cho biết thêm, theo quy định, nếu chứng minh được tài sản phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh thì có thể đưa vào chi phí khấu hao hợp lý khi tính.

Nếu hộ đã kê khai và sử dụng hóa đơn điện tử theo đúng quy định, thì không bắt buộc phải chuyển sang dùng máy tính tiền, trừ khi có yêu cầu cụ thể theo ngưỡng doanh thu. Ngoài ra, hộ kinh doanh vẫn có thể sử dụng hóa đơn trực tiếp nếu chưa đáp ứng điều kiện chuyển đổi và cơ quan thuế chưa yêu cầu.

Đại diện Chi cục Thuế khu vực I cho biết, để triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đến doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn, chi cục đã phân công cụ thể cho từng phòng/đội thuế triển khai phối hợp với các nhà cung cấp giải pháp để hỗ trợ tốt nhất cho người nộp thuế.

Chi tiết tại: 

https://daidoanket.vn/chuyen-doi-sang-hoa-don-dien-tu-khoi-tao-tu-may-tinh-tien-nhieu-ban-khoan-tu-phia-ho-kinh-doanh-10307744.html

 

#Fintech #Congnghetaichinh #dnu_fta