https://fta.dainam.edu.vn
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐẠI NAM
VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH
  • Tiếng Việt
  • Tiếng Việt
BẢN TIN VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH 11/06/2025

(Theo ĐTCK) Mô hình cho trung tâm tài chính: Không thể chần chừ với tư duy cũ.

Việt Nam đang nghiên cứu các mô hình phát triển trung tâm tài chính quốc tế nhằm định hình hướng đi cho TP.HCM và Đà Nẵng. Để vươn lên trở thành trung tâm tài chính khu vực, việc lựa chọn mô hình không thể chần chừ với tư duy cũ.

Năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam. Ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 47-TB/TW, đồng ý chủ trương xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo đó, TP.HCM sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc tế toàn diện, còn Đà Nẵng giữ vai trò trung tâm tài chính khu vực.

Triển khai chủ trương này, ngày 31/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 259/NQ-CP, đề ra kế hoạch hành động cụ thể, phân công 49 nhóm nhiệm vụ cho 12 bộ, ngành và các địa phương. Đây là minh chứng rõ nét cho quyết tâm chính trị đã chuyển hóa thành hành động cụ thể.

Chính phủ đang thể hiện khát vọng đưa Việt Nam vào bản đồ tài chính thế giới, dựa trên 2 lợi thế quan trọng.

Thứ nhất là lợi thế về chi phí - một yếu tố tương đối nhưng có sức hấp dẫn riêng. Tại Singapore, chi phí thành lập doanh nghiệp dao động từ 5.000 - 10.000 USD, chi phí thuê văn phòng lên tới 1.000 USD/m2. Trong khi đó, tại Việt Nam, hai con số này chỉ khoảng 200 USD. Dưới góc nhìn chiến lược, thu hút hàng trăm doanh nghiệp nhỏ “làm tổ” đôi khi thiết thực hơn là kỳ vọng vào vài cánh “đại bàng lớn”.

Thứ hai là sức bật công nghệ và tâm thế tiếp nhận đổi mới. Việt Nam hiện đứng thứ 5 toàn cầu về mức độ chấp nhận tiền mã hóa (Chainalysis, 2024), với hơn 17 triệu người dùng và dòng vốn blockchain vượt 105 tỷ USD trong hai năm qua. Trong làn sóng công nghệ tài chính (Fintech), chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI) - những công nghệ có thể phá vỡ các rào cản truyền thống - Việt Nam có cơ hội để định hình một mô hình trung tâm tài chính thế hệ mới: hiệu quả, ít “ma sát” và gắn với nền kinh tế số.

Có bốn mục tiêu chiến lược đặt ra cho hành trình hình thành trung tâm tài chính Việt Nam: 1) Thu hút dòng vốn quốc tế, tạo đối trọng tiềm năng với các trung tâm như Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải trong vòng 5 - 10 năm tới; 2) Xây dựng hạ tầng thể chế phục vụ tài chính hóa nền kinh tế, qua đó hình thành hệ sinh thái dịch vụ tài chính đa dạng và có chiều sâu; 3) Thiết lập trục phát triển không gian chiến lược, với TP.HCM làm trung tâm tài chính toàn cầu và Đà Nẵng thí điểm các mô hình đổi mới sáng tạo - tài chính thông minh; 4) Thí điểm cơ chế linh hoạt, trong đó bao gồm Sandbox pháp lý, luật riêng - mô hình từng giúp Dubai (thủ đô của Tiểu vương quốc Dubai) trở thành điểm sáng cải cách.

Cụ thể, TP.HCM nên được thiết kế như một đặc khu tài chính - có luật riêng, tòa án riêng, cơ quan quản lý riêng - vận hành theo chuẩn Common Law, tạo được niềm tin cho giới đầu tư toàn cầu. Bên cạnh đó, cần có một cơ chế sandbox thực sự, nơi các công nghệ tài chính mới được thử nghiệm trong môi trường minh bạch nhưng linh hoạt.

Về thuế, cần mạnh dạn thiết kế các ưu đãi đột phá, thậm chí 0% trong những năm đầu. Quan trọng hơn, cần nới lỏng kiểm soát vốn để dòng tiền có thể lưu chuyển dễ dàng.

Cuối cùng, TP.HCM cần trở thành nơi đáng sống và làm việc, với hạ tầng quốc tế, dịch vụ chất lượng cao, thủ tục thị thực linh hoạt để thu hút và giữ chân nhân tài toàn cầu.

Nếu không dám vượt ra khỏi quỹ đạo cũ, Việt Nam có nguy cơ lặp lại mô hình GIFT City - đầy hoài bão nhưng thiếu sức bật. Ngược lại, nếu dám “phá rào” đúng lúc, như tinh thần Đổi mới hơn ba thập kỷ trước, chúng ta hoàn toàn có thể mở ra một chu kỳ phát triển mới - nơi TP.HCM trở thành cửa ngõ tài chính của Việt Nam kết nối với dòng chảy kinh tế toàn cầu.

Chi tiết tại:

https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/mo-hinh-cho-trung-tam-tai-chinh-khong-the-chan-chu-voi-tu-duy-cu-post370847.html

 

(Theo báo Dân Trí) Cơ chế sandbox và cơ hội để Việt Nam phát triển thị trường tài sản số.

Theo báo cáo từ Chainalysis, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người nắm giữ tài sản số cao nhất thế giới. Khung pháp lý sẽ giúp xây dựng một hệ sinh thái tài sản số an toàn, minh bạch và phát triển bền vững. Các vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý dù đã được bàn luận nhiều trong thời gian gần đây, nhưng hiện vẫn còn trong giai đoạn dự thảo.

Trong Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ Số, quản lý tài sản số và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) là một trong những lĩnh vực cốt lõi được đề cập đến. 

Theo dự thảo, tài sản số là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử và được pháp luật bảo hộ như quyền tài sản theo quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan.

Chính phủ sẽ quy định chi tiết loại hình, quản lý tài sản số và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số hóa tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn; biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phòng chống, ngăn chặn, hạn chế và xử lý các rủi ro liên quan đến tài sản số.

Ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng, cho biết với lợi thế về cơ chế, nguồn lực và hệ sinh thái rộng mở, thành phố sẽ triển khai cơ chế Sandbox cho các sáng kiến công nghệ đột phá, trong đó có cả lĩnh vực blockchain và tài sản số.

Ông Võ Đức Anh, đại diện Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Đà Nẵng, tiết lộ Đà Nẵng đã phê duyệt cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho một dự án thanh toán bằng stablecoin.

Trong khi đó, đại diện Binance cho rằng để Đà Nẵng thu hút thêm nguồn vốn quốc tế, cơ quan chức năng nên đồng hành cùng doanh nghiệp khi đưa ra hành lang pháp lý phù hợp. Đà Nẵng cũng có thể nghiên cứu và học tập mô hình của UAE về quản lý tài sản số khi nơi đây đã thu hút thêm hàng tỷ USD chỉ trong vòng một năm.

Chi tiết tại:

https://dantri.com.vn/cong-nghe/co-che-sandbox-va-co-hoi-de-viet-nam-phat-trien-thi-truong-tai-san-so-20250609002555251.htm

 

(Theo KTSGO) Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nguồn tiền để cho vay đặc biệt có lãi suất 0% được lấy từ nguồn thực hiện chức năng của ngân hàng trung ương về phát hành tiền, không dùng nguồn từ ngân sách nhà nước nên không có rủi ro phải bù lãi suất.

Sáng 10-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, TTXVN đưa tin.

Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cơ bản nhất trí với giải trình của Chính phủ và đề nghị rà soát các quy định về điều kiện cho vay, thẩm định, cấp tín dụng và xử lý nợ xấu đồng thời không làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các bên có liên quan khi xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu.

Bên cạnh đó, việc cho vay đặc biệt chỉ phục vụ hai trường hợp. Trường hợp một là tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt (để chi trả cho người gửi tiền). Trường hợp hai là để thực hiện phương án phục hồi, chuyển giao bắt buộc của các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và chỉ áp dụng sau khi đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ như tái cấp vốn, thị trường mở…

Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát, sửa Thông tư 37 liên quan đến tiêu chí, điều kiện cho vay đặc biệt với lãi suất 0% một năm, không có tài sản đảm bảo, mục đích sử dụng khoản vay, trách nhiệm của các đơn vị được vay…

Về cơ chế kiểm soát để tránh lạm quyền trong thu giữ tài sản bảo đảm, dự thảo có quy định là các tổ chức tín dụng không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội. Dự thảo cũng không hạn chế quyền khiếu nại của các bên khi thu giữ, đặc biệt là quyền khiếu nại của bên bảo đảm, bên đang giữ tài sản bảo đảm. Việc thu giữ tài sản bảo đảm nói riêng và hoạt động của tổ chức tín dụng nói chung chịu sự quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Ngân hàng Nhà nước.

Chi tiết tại: 

https://thesaigontimes.vn/khong-dung-nguon-tu-ngan-sach-de-cho-vay-dac-biet-lai-suat-0/

 

#DaiHocDaiNam #viencongnghetaichinh #dnufta #ChọnĐạiNamChạmThànhCông #fintech #Vinguoihoctantam #Totnghiepnhanh_Vieclamngay