(Theo TBNH) Dữ liệu - tài nguyên cốt lõi cho tăng trưởng và đổi mới sáng tạo ngành Ngân hàng
Theo các chuyên gia, ngành Ngân hàng - một trong những lĩnh vực đi đầu trong ứng dụng công nghệ và số hóa dịch vụ, hiện có đầy đủ điều kiện để chuyển sang một giai đoạn phát triển mới – giai đoạn lấy dữ liệu làm trung tâm cho mọi hoạt động vận hành, ra quyết định và phục vụ khách hàng.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, đến nay, trên 90% giao dịch ngân hàng tại nhiều tổ chức tín dụng được thực hiện qua kênh số, hơn 87% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Thêm vào đó, hàng loạt dịch vụ như tiền gửi, mở tài khoản, phát hành thẻ, chuyển tiền, cho vay… đã được số hóa 100%, giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí và nâng cao sự thuận tiện cho khách hàng... Ngành Ngân hàng đang minh chứng là một trong những ngành đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Theo thông tin từ NHNN, trong 5 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm 2024, giao dịch TTKDTM tăng 45,44% về số lượng và 25,21% về giá trị; qua kênh Internet tăng 47,09% về số lượng và 34,46% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 39,90% về số lượng và 23,22% về giá trị; giao dịch qua QR Code tăng 76,62% về số lượng và 179,14% về giá trị. Ngoài ra, giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 9,99% về số lượng và tăng 39,85% về giá trị; qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 14,33% về số lượng và 3,85% về giá trị.
Thực tế trong thời gian qua, dữ liệu trong ngành Ngân hàng thực sự đã trở thành một yếu tố hết sức quan trọng, không chỉ trong việc thúc đẩy chuyển đổi số mà còn trong hoạt động điều hành chính sách. Ông Lê Hoàng Chí Quang, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, NHNN cho biết, NHNN cũng đang đẩy mạnh việc ra quyết định trên cơ sở dữ liệu thông qua thu thập từ các tổ chức tín dụng, bộ ngành liên quan, từ đó để hỗ trợ Thống đốc và ban lãnh đạo đưa ra quyết định chính sách sát với thực tiễn hơn.
Gần đây, NHNN thông qua Vụ Thanh toán và Cục Công nghệ thông tin cũng đã phối hợp với một số ngân hàng xây dựng hệ thống SIMO, thu thập dữ liệu liên quan đến các tài khoản, ví điện tử có dấu hiệu giả mạo, gian lận. Hệ thống này hiện đã cung cấp cảnh báo tới các ngân hàng, hỗ trợ khách hàng khi chuyển tiền đến các tài khoản nằm trong danh sách nghi ngờ, giúp người dân cân nhắc trước khi thực hiện giao dịch. Đây tiếp tục là một minh chứng cho vai trò quan trọng của dữ liệu. Ngoài ra, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) hiện đang quản lý khoảng 54 triệu hồ sơ khách hàng, là một nguồn dữ liệu quý giá phục vụ quá trình ra quyết định cấp tín dụng và đánh giá khách hàng.
Thêm vào đó, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân mới được Quốc hội thông qua, trong đó có những quy định chặt chẽ hơn liên quan đến phân loại, quản lý, chia sẻ và bảo vệ dữ liệu. Đây sẽ là những yêu cầu pháp lý mà các ngân hàng cần tuân thủ nghiêm túc, đồng thời cũng đặt ra áp lực không nhỏ đối với việc hoàn thiện hạ tầng dữ liệu của toàn ngành.
Từ góc độ ngân hàng, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, dữ liệu hiện nay bị chậm trễ, tức là phải sau một ngày mới có thể cập nhật và sử dụng được. Ngoài ra, phần lớn mới chỉ là dữ liệu có cấu trúc, trong khi dữ liệu phi cấu trúc thì bao giờ cũng nhiều hơn, nhưng lại chưa được khai thác hiệu quả.
Nhấn mạnh đến yếu tố con người trong chiến lược xây dựng hạ tầng dữ liệu, bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chủ tịch CTCP Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, bản thân con người, mỗi cá nhân chính là điểm khởi đầu của dữ liệu. Theo đó, ở bất kỳ hành động nào, con người cũng tạo ra dữ liệu.
Vì thế, theo bà Dương, khi các luật và quy định mới, đặc biệt là Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân có hiệu lực và được tất cả tuân thủ nghiêm túc, thì sẽ có một sân chơi minh bạch và bình đẳng. Chính điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của ngành tài chính - ngân hàng trong tương lai.
Chi tiết tại:
(Theo VNEconomy) Các vấn đề lớn của ngân hàng vẫn chưa được giải quyết
Tại Hội nghị VSEFI 2025, Giáo sư Kose John từ Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York, đã nhấn mạnh đến những vấn đề quan trọng liên quan đến sự ổn định của ngành ngân hàng và hệ thống tài chính…
Ngày 10/7, Hội thảo quốc tế lần thứ IV về Khởi nghiệp, Tài chính và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VSEFI 2025) đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Hội thảo do Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) đồng chủ trì, cùng các đối tác uy tín từ Australia, Pháp và Canada. Sự kiện năm nay thu hút hơn 50 đoàn từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 45 bài tham luận chất lượng được lựa chọn từ hơn 110 bài gửi về. Các bài tham luận tập trung trong các lĩnh vực tài chính, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo…
Chia sẻ tại Hội thảo quốc tế lần thứ IV về Khởi nghiệp, Tài chính và Đổi mới (VSEFI) 2025 diễn ra sáng ngày 10/7, Giáo sư Kose John cho biết sự ổn định của ngành ngân hàng và hệ thống tài chính vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, thách thức các quan niệm phổ biến hiện nay.
Bắt đầu với những vấn đề liên quan tới quy định về vốn, Giáo sư Kose cho biết có sự khác nhau cơ bản về đòn bẩy nợ giữa các tập đoàn, doanh nghiệp thông thường với các ngân hàng. Trong đó, các ngân hàng thường có đòn bẩy nợ cao hơn so với các các doanh nghiệp thông thường.
Và vì vậy, theo Giáo sư Kose, các ngân hàng sẽ đưa ra các quy định nhằm kiểm soát nợ và cơ cấu vốn tối ưu. Mặc dù điều này là hợp lý song việc tìm ra “mức vốn tối ưu” vẫn là một vấn đề rất khó có câu trả lời chính xác và khoa học.
Ngoài ra, câu chuyện lương thưởng cho ban lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng cũng là một trong những yếu tố làm trầm trọng thêm xu hướng chấp nhận rủi ro của ngân hàng. Việc phải giải quyết hai vấn đề này cùng lúc là một trong những lý do tại sao một giải pháp tối ưu vẫn còn lẩn khuất.
Tiếp theo, Giáo sư Kose đề cập đến bảo hiểm tiền gửi (FDIC) và thẳng thừng bác bỏ một quan niệm sai lầm phổ biến trong giới học thuật.
“Rất nhiều bài báo nói rằng FDIC sẽ dẫn đến rủi ro đạo đức. Điều đó hoàn toàn sai”, ông tuyên bố. Ông giải thích rằng FDIC tự nó không làm thay đổi động cơ của cổ đông ngân hàng; nó chỉ thay đổi khoản thanh toán cho người gửi tiền.
Vấn đề thực sự, theo ông, là bảo hiểm bị định giá sai, đặc biệt là khi nó được định giá thấp. Khi một ngân hàng có thể mua bảo hiểm với giá rẻ hơn giá trị thực của nó, ngân hàng sẽ có động cơ “tích trữ bảo hiểm” và sau đó chấp nhận nhiều rủi ro hơn để tối đa hóa giá trị từ khoản bảo hiểm được định giá thấp đó.
Bài học từ sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) của Mỹ vào đầu năm 2023 là một ví dụ điển hình. Một lỗ hổng lớn của SVB là 90% tiền gửi không được bảo lãnh. Điều này đã tạo ra một cuộc tháo chạy của người gửi tiền, một loại rủi ro khác biệt không đến từ các lựa chọn đầu tư của ngân hàng, mà từ động cơ của người gửi tiền khi họ lo sợ mất tiền.
Đáng lưu ý, theo Giáo sư Kose, có những ngân hàng cũng đang gặp vấn đề tương tự, nghĩa là một phần lớn tiền gửi của ngân hàng không được bảo lãnh bởi FDIC và nếu các ngân hàng này gặp các vấn đề yếu kém trong bảng cân đối kế toán, sẽ tạo ra động lực cho người gửi tiền rút tiền khỏi ngân hàng.
Chi tiết tại:
https://vneconomy.vn/cac-van-de-lon-cua-ngan-hang-van-chua-duoc-giai-quyet.htm
(Theo ĐTCK) Các ngân hàng “chịu chi” cho số hóa
Năm 2024, ngành ngân hàng chứng kiến làn sóng đầu tư nền tảng kỹ thuật số lan rộng toàn hệ thống khi chi phí đầu tư công nghệ của các ngân hàng niêm yết đều tăng mạnh, đạt 32.437 tỷ đồng, so với mức 26.687 tỷ đồng trong năm 2023. Tuy nhiên, mức đầu tư công nghệ có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngân hàng.
Trong nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối, BIDV có mức tăng trưởng đầu tư giải pháp số mạnh nhất, đạt 3.168 tỷ đồng, tăng 1,5 lần chỉ sau 3 năm. Ngân hàng này phát triển nền tảng BIDV Smart Banking, kết hợp hợp tác với các công ty Fintech và ứng dụng công nghệ mở, triển khai Open API và đặc biệt là tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để hướng dẫn và cung cấp dịch vụ theo thời gian thực cho khách hàng.
BIDV hiện đang phục vụ hơn 22 triệu khách hàng cá nhân và trên 500.000 khách hàng tổ chức, kết nối với hơn 2.000 nhà cung cấp dịch vụ tài chính trong và ngoài nước. Các sản phẩm và giải pháp mà BIDV đang triển khai được phát triển theo hướng cá nhân hóa hành trình người dùng, đồng thời ứng dụng công nghệ để đơn giản hóa thủ tục, nâng cao trải nghiệm, đồng thời đảm bảo an toàn, chính xác và hiệu quả.
Tại VietinBank và Vietcombank, đầu tư cho chuyển đổi số trong năm 2024 lần lượt đạt 2.767 tỷ đồng và 2.479 tỷ đồng, duy trì đà tăng trưởng liên tục trong các năm gần đây.
Vietcombank tập trung cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng thông qua việc ứng dụng AI và dữ liệu lớn, tạo ra các giải pháp tư vấn và hỗ trợ linh hoạt. Trong khi đó, VietinBank đẩy mạnh các nền tảng số như Chatbot và Cổng thông tin khách hàng, nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc khách hàng 24/7 và giảm phụ thuộc vào nguồn lực con người.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho hay, thời gian qua, Ngân hàng tích cực đầu tư cho hạ tầng, kỹ thuật công nghệ và an toàn bảo mật. Theo ông Phát, mỗi năm, ACB đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao dịch, hệ thống lõi. Không chỉ đầu tư cho ngân hàng mẹ, năm qua, ACB cũng chú trọng đầu tư công nghệ tiên tiến cho công ty chứng khoán trực thuộc (ACBS). Sắp tới, ACB sẽ đầu tư công nghệ cho ngân hàng số.
Techcombank đã hợp tác với nhiều đối tác công nghệ, trong đó có các tên tuổi hàng đầu thế giới như Visa hay Amazon Web Services (AWS). Visa có thể xem là một trong những công ty Fintech lớn nhất toàn cầu và Techombank là đối tác chiến lược của họ tại Việt Nam. Techcombank đã đầu tư hơn 500 triệu USD cho công nghệ trong 5 năm qua và con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Tất cả các quy trình nội bộ của Ngân hàng đều đã được số hóa hoàn toàn. Mới đây, Techcombank triển khai 19 chi nhánh theo định dạng mới, không có giấy tờ, không lưu trữ hồ sơ vật lý - tất cả đều số hóa. Bước tiếp theo là tích hợp AI vào toàn bộ trải nghiệm khách hàng, từ ứng dụng ngân hàng cho tới nhân viên tư vấn. Dữ liệu sẽ được phân tích sâu để đưa ra các khuyến nghị phù hợp với từng khách hàng.
Trong đó, mảng kinh doanh bảo hiểm đã bắt đầu phát triển rõ nét - hiện Techombank có sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ từ liên kết với công ty bảo hiểm và tài chính tiêu dùng, bao gồm bảo hiểm nhà, ô tô, an ninh mạng... Trong mảng bảo hiểm nhân thọ, ngân hàng đang chờ hoàn tất các quy trình cấp phép từ Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, thời gian qua hạ tầng công nghệ được các ngân hàng đầu tư và phát triển mạnh mẽ tạo ra những bước tiến vượt bậc, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Tuy nhiên, để có thể tiếp tục phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thì việc đổi mới hạ tầng công nghệ trở thành một yếu tố then chốt. Các ngân hàng đã, đang và tiếp tục không ngừng nỗ lực để thích ứng với những thay đổi đó. Trong tương lai gần, có thể kỳ vọng sẽ thấy nhiều dịch vụ ngân hàng mới lạ và tiện ích hơn nữa xuất hiện.
Thực tế, hiện đã có gần 87% người Việt trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Các ngân hàng liên tục mở rộng hệ sinh thái số giúp xây dựng nền kinh tế số, xã hội không tiền mặt. Hiện giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hướng đến hệ sinh thái số liên thông, kết nối với các ngành kinh tế khác, tạo động lực cho phát triển kinh tế số.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian qua, cơ quan này không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngân hàng. Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển.
Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 820.000 tỷ đồng mỗi ngày, trong khi hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý 26 triệu giao dịch mỗi ngày.
Hạ tầng thông tin tín dụng quốc gia nâng cấp để gia tăng khả năng xử lý, cập nhật dữ liệu tự động, đồng thời mở rộng thu thập, cập nhật dữ liệu trong và ngoài ngành với tỷ lệ cập nhật số liệu thành công từ tổ chức tín dụng đạt mức cao trên 98%.
Chi tiết tại:
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/cac-ngan-hang-chiu-chi-cho-so-hoa-post372768.html