(Theo ĐTO) Dòng vốn tín dụng đang chảy vào lĩnh vực nào?
Tăng trưởng tín dụng trên đà cải thiện khi mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp, cầu vốn dần trở lại, trong đó có cả tín dụng cho cá nhân vay mua nhà để ở…
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 19/5, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 16,49 triệu tỷ đồng, tăng 5,59% so với cuối năm 2024 và tăng 18,67% so cùng kỳ năm ngoái. Với mức tăng trưởng tín dụng năm nay 16%, tương ứng 2,5 triệu tỷ đồng, còn dư địa khoảng 1,627 triệu tỷ đồng vốn tín dụng cho gần 7 tháng tới.
Ông Nguyễn Đức Lệnh Phó giám đốc NHNN Chi nhánh Khu vực 2 cho biết, vốn tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và hỗ trợ các nhóm ngành - lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế. Trong đó, các ngân hàng thương mại phối hợp chặt chẽ với trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp để hỗ trợ kịp thời lĩnh vực xuất khẩu - một trong 3 trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động trước các chính sách thuế quan của Mỹ.
Theo NHNN, tính đến ngày 10/4, lãi suất cho vay bình quân với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng ở mức 6,34%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2024. Các ngân hàng đã công bố thông tin lãi suất cho vay bình quân trên website để khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay, lãi suất thấp.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nếu tăng trưởng tín dụng cao hơn con số 16%, sẽ dẫn đến nguy cơ lạm phát vượt mức 4,5% như đề ra. Chưa kể, tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh, dòng vốn có thể chảy vào những lĩnh vực như chứng khoán, vàng, bất động sản và tạo ra bong bóng, vì thế cần kiểm soát rủi ro.
Chi tiết tại:
https://baodautu.vn/dong-von-tin-dung-dang-chay-vao-linh-vuc-nao-d303050.html
(Theo báo Thanh Niên) Không nên lo lắng mô hình một trung tâm tài chính đặt 2 nơi.
Chiều 12.6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thành lập trung tâm tài chính quốc tế. Dự thảo nghị quyết đưa ra mô hình 'một trung tâm, hai điểm đến' đặt tại TP.HCM và Đà Nẵng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu (ĐB) băn khoăn việc trung tâm đặt tại 2 địa phương có mang lại hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN, ví trung tâm tài chính quốc tế là "cuộc chơi cho nhà giàu nhiều tiền, nhiều của". Theo ông, tính khắc nghiệt sân chơi này đòi hỏi phải có các cơ chế khác biệt, hạ tầng tài chính, viễn thông... đồng bộ, hiện đại và hệ thống pháp luật minh bạch.
Ông Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) thì cảnh báo cạnh tranh về ưu đãi cũng tạo ra nguy cơ. Bài học nhãn tiền là thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 20 năm qua vẫn chủ yếu là gia công và lao động giá rẻ, không làm chủ được công nghệ, thương hiệu, thị trường, thậm chí bao bì, linh kiện.
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết ban đầu theo kết luận của Bộ Chính trị, VN thành lập 2 trung tâm tài chính, gồm trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và khu vực ở Đà Nẵng. Song quá trình nghiên cứu, Chính phủ nhận thấy nếu lập 2 trung tâm tài chính sẽ khó thành công, do phân định khó khăn và cạnh tranh nhau. Do đó, Chính phủ đề nghị Bộ Chính trị lập một trung tâm quốc tế, đặt tại 2 nơi trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và sự khác biệt để phát triển.
"Kinh nghiệm của các nước trong phát triển mô hình trung tâm tài chính có nhiều, nên không quá lo lắng việc một trung tâm tài chính được đặt tại 2 nơi sẽ cạnh tranh nhau", ông Thắng nhấn mạnh.
Chi tiết tại:
https://thanhnien.vn/khong-nen-lo-lang-mo-hinh-mot-trung-tam-tai-chinh-dat-2-noi-18525061223184519.htm
(Theo TPO) Dự báo rủi ro nợ xấu tiếp tục tăng mạnh.
Nợ xấu ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong quý II năm nay khi xét đến diễn biến tăng ròng mạnh của nợ nhóm 2, ước tính tương đương với quy mô nợ xấu đã hình thành ròng trong quý I và nợ xấu tiềm ẩn còn lớn.
Theo Báo cáo của Vietnam Report, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại đã đạt đỉnh vào quý III/2023 và đã được kìm hãm một phần khi Thông tư 02/2023 của Ngân hàng Nhà nước được ban hành.
Xét trên giá trị, tổng nợ xấu các ngân hàng thương mại đã vượt 300 nghìn tỷ đồng vào cuối quý I năm nay tăng 16,8% so với cùng kỳ 2024 và tăng 13,4% so với đầu năm.
Được biết, Thông tư 02/2023 quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ được thực hiện đến hết ngày 30/6/2024, sau đó Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư 06 kéo dài thêm 6 tháng thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng (đến 31/12/2024).
Thực tế cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trong quý đầu năm 2025 đã tăng nhẹ so với quý trước đó, nhưng cơ cấu các nhóm trong nợ xấu lại có sự chuyển biến rõ rệt, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đã đạt kỷ lục chiếm 1,25% tổng dư nợ cho vay khách hàng, trên 176.000 tỷ đồng, tăng 10,7% so với đầu năm và cao hơn con số tổng nợ xấu vào cuối năm 2022.
Theo báo cáo ngành ngân hàng mới nhất của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, nợ xấu nội bảng từ các khoản cho vay khách hàng của 27 ngân hàng niêm yết tăng hơn 37.000 tỷ đồng trong quý I. Quy mô nợ xấu nội bảng cuối quý I tăng lên mức hơn 265.000 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ nợ xấu là 2,16%.
Theo chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt, nợ xấu sẽ tiếp tục tăng trong quý tới khi xét đến diễn biến tăng ròng mạnh của nợ nhóm 2, ước tính tương đương với quy mô nợ xấu đã hình thành ròng trong quý I và nợ xấu tiềm ẩn còn lớn. Kết thúc quý đầu năm nay, nợ nhóm 2 tăng nhẹ 7.000 tỷ đồng, chấm dứt xu hướng giảm trong 3 quý trước đó.
Chi phí dự phòng ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần sẽ tiếp tục tăng so với quý I để tiếp tục trích lập cho nợ xấu nội bảng hiện hữu và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu sau khi chịu ảnh hưởng của nợ xấu tiềm ẩn phát sinh từ nợ nhóm 2 trong quý tới.
Chi tiết tại:
https://tienphong.vn/du-bao-rui-ro-no-xau-tiep-tuc-tang-manh-post1750578.tpo
#fintech #Congnghetaichinh #dnu_fta