https://fta.dainam.edu.vn
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐẠI NAM
VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH
  • Tiếng Việt
  • Tiếng Việt
BẢN TIN VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH 15/06/2025

(Theo ĐPTTH Hà Nội) Việt Nam lần đầu có khung pháp lý cho tài sản số.

Quốc hội đã thông qua Luật Công nghiệp Công nghệ số trong sáng 14/6, lần đầu tiên đặt nền tảng pháp lý cho tài sản số và trí tuệ nhân tạo (AI).

Luật Công nghiệp Công nghệ số sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của luật là quy định rõ hơn các nội dung cốt lõi liên quan đến tài sản số, bao gồm: tạo lập, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác lập quyền sở hữu, giao dịch, bảo mật, phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ tài sản mã hóa,…

của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: dự thảo luật đã thiết lập nguyên tắc kiểm soát rủi ro trong suốt vòng đời hệ thống AI, đặc biệt với các hệ thống AI rủi ro cao, có tác động lớn. Đây là lần đầu tiên, vấn đề quản lý rủi ro AI được luật hóa một cách cụ thể ở cấp độ quốc gia.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã thông qua 5 dự án luật với tỷ lệ tán thành cao, đều trên 90%, gồm: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Chi tiết tại:

https://hanoionline.vn/video/viet-nam-lan-dau-co-khung-phap-ly-cho-tai-san-so-340202.htm

 

(Theo báo Đại Đoàn Kết) Thanh toán không tiền mặt tạo nhiều thuận lợi cho các mô hình thanh toán sáng tạo.

Ngày 14/6, tại TP Hồ Chí Minh diễn ra hội thảo “Thanh toán không tiền mặt - Động lực tăng trưởng kinh tế số”. Tham dự hội thảo có Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng đại diện các bộ - ngành.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định, thanh toán không tiền mặt không chỉ thúc đẩy hiệu quả ngành ngân hàng, mà còn giúp tăng tính minh bạch trong quản lý tài chính, hỗ trợ thương mại điện tử và dịch vụ công, tăng cao năng suất lao động và tiết giảm chi phí xã hội.

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được của thanh toán không tiền mặt cần thẳng thắn nhìn nhận có một số tồn tại như: vấn đề an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thanh toán số, nhất là trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi.

Hiện gần 87% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. Thanh toán không tiền mặt đã có mặt trong mọi lĩnh vực của kinh tế và đời sống - xã hội như học phí, viện phí, mua sắm…

Hạ tầng thông tin tín dụng quốc gia nâng cấp để gia tăng khả năng xử lý, cập nhật dữ liệu tự động, đồng thời mở rộng thu thập và cập nhật dữ liệu trong và ngoài ngành với tỉ lệ cập nhật số liệu thành công từ tổ chức tín dụng đạt mức cao trên 98%.

Chi tiết tại:

https://daidoanket.vn/thanh-toan-khong-tien-mat-tao-nhieu-thuan-loi-cho-cac-mo-hinh-thanh-toan-sang-tao-10308062.html

 

(Theo báo Lao động) Tài sản số được quy định thế nào trong luật vừa được Quốc hội thông qua?

Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung liên quan đến tài sản số để phù hợp với thực tiễn, yêu cầu quản lý trong các ngành, lĩnh vực.

Với Luật Công nghiệp công nghệ số được Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua ngày 14-6, vấn đề tài sản số đã chính thức được luật hóa. Luật này có hiệu lực từ ngày 1-1-2026.

Luật Công nghiệp công nghệ số dành toàn bộ Chương V để quy định về tài sản số. Trong đó nêu rõ, tài sản số là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo lập, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử.

Tài sản số bao gồm tài sản ảo trên môi trường điện tử là một loại tài sản số có thể được dùng cho mục đích trao đổi hoặc đầu tư. Tài sản ảo không bao gồm chứng khoán, các dạng số của tiền pháp định và tài sản tài chính khác theo quy định của pháp luật về dân sự, tài chính;

Tài sản mã hóa là một loại tài sản số mà sử dụng công nghệ mã hóa hoặc công nghệ số có chức năng tương tự để xác thực đối với tài sản trong quá trình tạo lập, phát hành, lưu trữ, chuyển giao. Tài sản mã hóa không bao gồm chứng khoán, các dạng số của tiền pháp định và tài sản tài chính khác theo quy định của pháp luật về dân sự, tài chính; và tài sản số khác.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ tài sản số có thể sử dụng cho mục đích trao đổi hoặc đầu tư hay không; đề nghị làm rõ nội hàm, tiêu chí phân loại tài sản số.

Do đó, nhằm bảo đảm tính khả thi, linh hoạt và ổn định của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc về vấn đề này và giao Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp với thực tiễn phát triển.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định cụ thể hơn một số nội dung cốt lõi trong quản lý nhà nước về tài sản số và giao Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền, nội dung quản lý, phân loại tài sản số phù hợp với thực tiễn, yêu cầu quản lý trong các ngành, lĩnh vực.

Chi tiết tại:

https://nld.com.vn/tai-san-so-duoc-quy-dinh-the-nao-trong-luat-vua-duoc-quoc-hoi-thong-qua-196250614093740138.htm

#dnu_fta #Viencongnghetaichinh #nganhang #fintech