https://fta.dainam.edu.vn
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐẠI NAM
VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH
  • Tiếng Việt
  • Tiếng Việt
BẢN TIN VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH 15/07/2025

Có thể là hình ảnh về ‎văn bản cho biết '‎F DNU-FTA . L Katnan stanh Kanessing/ BẢN TIN VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH 15/07/2025 X ااممـ‎'‎

 

 (Theo TBNH) Khuyến khích fintech tham gia Sandbox

Trong quá trình triển khai thí điểm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) lĩnh vực ngân hàng, cơ quan quản lý sẽ cập nhật các mô hình mới để xem xét mở rộng phạm vi thử nghiệm, đồng thời thiết lập cơ chế giám sát và hoàn thiện pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp tham gia.

Tại Tọa đàm Triển khai Nghị định 94/2025/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng vừa được tổ chức gần đây, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) ghi nhận, hiện nay, các fintech (công ty công nghệ tài chính) mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế, tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn.

Theo Vụ Thanh toán, cơ quan trực tiếp tham gia soạn thảo Nghị định, về cơ chế sandbox sẽ giúp các bên tham gia cung ứng dịch vụ tài chính - ngân hàng có căn cứ pháp lý để triển khai các hoạt động kinh doanh mới.

Trong quá trình đăng ký tham gia thử nghiệm sandbox, NHNN sẽ cho phép các doanh nghiệp được chủ động nghiên cứu, bổ túc hoàn thiện hồ sơ để đảm bảo đáp ứng tất cả các điều khoản, điều kiện của Nghị định.

Nhiều công ty fintech cho rằng, mặc dù các quy định của Nghị định 94/2025/NĐ-CP đã chi tiết và cụ thể, tuy nhiên hồ sơ để đăng ký tham gia cơ chế thử nghiệm còn nhiều.

 Ngoài Nghị định này, các doanh nghiệp cũng có thể nghiên cứu sâu hơn Luật Khoa học, công nghệ (sửa đổi) (Điều 23), Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số để nắm bắt những quy định ưu tiên đặc thù trong xử lý, giải quyết các mâu thuẫn, vi phạm pháp luật đối với các mô hình tham gia cơ chế thử nghiệm có kiểm soát ở các lĩnh vực (trong đó có lĩnh vực fintech).

 (Theo ĐTCK) Tín dụng tiêu dùng: Trở lại đường đua

 Tài chính tiêu dùng đã phục hồi nhờ vào nỗ lực xử lý nợ xấu và môi trường kinh doanh ổn định hơn - dẫn đến tỷ lệ nợ xấu phát sinh mới và chi phí tín dụng giảm…

“Bắt” điểm rơi

“Con gà đẻ trứng vàng” của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (mã VPB) đang quay trở lại và đang được giới phân tích “cộng vào” tiềm năng tăng giá cổ phiếu của ngân hàng này.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán SHS, lợi nhuận trước thuế của VPBank trong năm 2025 dự kiến đạt 23.671 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm trước. Trong đó, FE Credit cùng với VPBankS và OPES sẽ đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh chung của ngân hàng. Trong khi đó, định giá cổ phiếu VPB cũng đang ở mức hấp dẫn. Hiện tại, VPB giao dịch với PB forward (P/B fw) là 0,9x - thấp hơn mức trung bình ngành là 1,32x. Thị trường cũng chứng kiến sau một thời gian dài “nặng mông”, cổ phiếu VPB bắt đầu nhúc nhích từ tháng 5/2025 với một số phiên tăng trần…

Việc FE Credit được nhắc tới trong câu chuyện của cổ phiếu VPB có lý do riêng. Công ty tài chính tiêu dùng này từng được gọi tên “con gà đẻ trứng vàng” của VPBank với thị phần dẫn đầu và đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào lợi nhuận của ngân hàng mẹ.

Tuy nhiên, từ năm 2021, FE Credit bắt đầu đối mặt với những khó khăn do tác động của dịch Covid-19, suy thoái kinh tế, kiểm soát tín dụng chặt chẽ hơn từ Ngân hàng Nhà nước và đặc biệt là áp lực từ tỷ lệ nợ xấu gia tăng.

Cũng theo báo cáo của SHS, dư nợ của FE Credit giảm từ mức đỉnh hơn 75.000 tỷ đồng năm 2021 xuống mức thấp nhất vào năm 2023. Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, dư nợ lại tăng lên 67.000 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, các khoản giải ngân mới tăng tới 42%, phản ánh nhu cầu tín dụng tiêu dùng đã có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ và đây là lý do FE Credit lại xuất hiện trong các báo cáo tích cực của VPBank.

Đà phục hồi nhiều thách thức

Liên quan đến thị trường tài chính tiêu dùng, ông Phan Duy Hưng - Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp VIS Rating nhận định, năm 2024, năng lực tín nhiệm của các công ty tài chính tiêu dùng đã phục hồi từ mức đáy năm 2023, nhờ vào nỗ lực xử lý nợ xấu và môi trường kinh doanh ổn định hơn, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu phát sinh mới và chi phí tín dụng giảm. Tuy nhiên, có sự phân hóa trong ngành khi các rủi ro vĩ mô, bao gồm việc Mỹ tăng thuế quan, sẽ làm lu mờ triển vọng của ngành trong 12-18 tháng tới.

Theo ông Hưng, các công ty sẽ áp dụng chiến lược kinh doanh thận trọng hơn để đối phó với rủi ro tài sản gia tăng và biến động vĩ mô. Với quy mô cho vay tín chấp lớn dành cho các khách hàng thu nhập thấp - vốn chưa được các ngân hàng khai thác, ngành tài chính tiêu dùng vẫn dễ bị ảnh hưởng trước các biến động vĩ mô và rủi ro gian lận từ phía khách hàng trong 5 năm qua. Việc Mỹ tăng thuế quan có thể tác động tiêu cực đến thu nhập và khả năng trả nợ của khách hàng. 

Cũng theo ông Hưng, lợi nhuận toàn ngành sẽ cải thiện nhẹ, trong khi các công ty tập trung cho vay tiền mặt phục hồi chậm hơn.

Tuy nhiên, những bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ làm giảm nhu cầu tín dụng và các công ty tập trung cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng như Mcredit, FE Credit và SHBFinance có khả năng sẽ phải đối mặt với chi phí tín dụng cao do gia tăng rủi ro tài sản.

Chi tiết tại đây: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/tin-dung-tieu-dung-tro-lai-duong-dua-post372989.html 

Viện Công nghệ Tài chính, Trường Đại học Đại Nam

 Hotlines/Zalo: 090 224 4966

 Email: fta@dainam.edu.vn

 TikTok: viencongnghetaichinh

 Địa chỉ: P606, Tòa Startup Building, Trường Đại học Đại Nam, Số 1, Phố Xốm, Phường Phú Lương, TP. Hà Nội

#DaiHocDaiNam #viencongnghetaichinh #dnufta #ChọnĐạiNamChạmThànhCông #fintech #Vinguoihoctantam #Totnghiepnhanh_Vieclamngay