(Theo VNEconomy) Hiệp hội Ngân hàng: Thiếu tiêu chí định lượng đối với khung pháp lý tín dụng xanh
Khung pháp lý về tín dụng xanh còn thiếu tiêu chí cụ thể, định lượng; chưa có hệ thống dữ liệu tập trung về dự án xanh, rủi ro ESG hay hướng dẫn thống nhất từ cơ quan quản lý để kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng... là những khó khăn mà các ngân hàng đang gặp phải khi giải ngân các khoản vay xanh...
Ngày 15/7/2025, Ủy ban Chính sách trực thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức Tọa đàm “Hoàn thiện khung pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng liên quan đến tài chính xanh”.Tại tọa đàm, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết đến nay đã có 57 tổ chức tín dụng chính thức tích hợp quản trị rủi ro môi trường – xã hội vào hệ thống vận hành và cấp tín dụng.
Tính đến cuối tháng 3/2025, dư nợ tín dụng xanh toàn hệ thống đạt trên 704 nghìn tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024 và chiếm khoảng 4,3% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Trong đó, Agribank là ngân hàng tiên phong trong cấp tín dụng xanh trong lĩnh vực nông nghiệp với hơn 42.000 khách hàng tiếp cận vốn xanh, tổng dư nợ gần 29.000 tỷ đồng, đồng thời tỷ trọng tín dụng xanh tại ngân hàng này đã tăng từ 0,9% năm 2020 lên 1,7% năm 2024.
Tại BIDV, đến 31/5/2025, dư nợ xanh đạt 78.076 tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng dư nợ. Ngân hàng đã cấp tín dụng xanh cho 1.569 khách hàng với 1.945 dự án. Từ năm 2021 đến nay, dư nợ tín dụng xanh của BIDV ghi nhận tốc độ tăng trưởng trung bình 26%/năm
Mặc dù đạt được một số kết quả bước đầu song TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNBA, cho rằng quy mô tín dụng xanh vẫn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu trong nước.
KHUNG PHÁP LÝ CHƯA THỐNG NHẤT VÀ KHÓ ĐO LƯỜNG
Theo ông Hùng, khó khăn lớn nhất trong phát triển tín dụng xanh là khung pháp lý và chính sách hỗ trợ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, thiếu tính đồng bộ và hướng dẫn cụ thể cho các tổ chức tín dụng.
Ngày 4/7/2025, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg về việc ban hành tiêu chí phân loại dự án xanh nhưng đây mới là bước đầu, cần thêm thời gian để triển khai đồng bộ và áp dụng hiệu quả.
Theo ông Trần Phương, khung pháp lý định lượng là yếu tố then chốt để giúp các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư có cơ sở rõ ràng trong việc đánh giá, lựa chọn và giám sát các dự án xanh một cách hiệu quả. Việc thiếu các tiêu chí cụ thể và có thể định lượng hiện nay đang khiến các bên liên quan gặp khó khăn trong việc xác định đâu là dự án thực sự xanh, cũng như trong quá trình phân bổ nguồn vốn và quản trị rủi ro.
TIẾP CẬN NGUỒN VỐN XANH QUỐC TẾ NGÀY CÀNG KHÓ KHĂN
Cũng theo bà Hà, hiện nay việc tiếp cận nguồn vốn xanh quốc tế rất khó khăn vì các điều kiện vay rất khắt khe, quy trình xét duyệt phức tạp và lãi suất không còn thực sự ưu đãi. Nếu cộng cả lãi suất và chi phí mà các tổ chức tín dụng phải bỏ ra để đáp ứng điều kiện kỹ thuật thì không thể có nguồn vốn rẻ cho các doanh nghiệp trong nước chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Từ những thực tế trên, đại diện các ngân hàng tham dự tọa đàm đề xuất ba nhóm giải pháp quan trọng để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tín dụng xanh.
Trước hết, cần hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế ưu đãi tài chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng triển khai tín dụng xanh.Cụ thể, Nhà nước nên sớm ban hành hướng dẫn chi tiết thực hiện Quyết định số 21 về phân loại dự án xanh, đồng thời áp dụng các chính sách miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập từ hoạt động cho vay xanh. Bên cạnh đó, cần có cơ chế cấp bù lãi suất hoặc trợ cấp lãi suất để giảm chi phí vay cho các dự án nông nghiệp xanh, hữu cơ hoặc tuần hoàn.
Thứ hai, cần có các chính sách khuyến khích rõ ràng đối với các tổ chức tín dụng tiên phong trong triển khai tín dụng xanh.Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc lãi suất tái cấp vốn cho các ngân hàng có tỷ trọng tín dụng xanh cao, từ đó tạo động lực tài chính thực chất để các ngân hàng chuyển hướng danh mục tín dụng theo hướng xanh hóa.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành hướng dẫn về quản lý rủi ro xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Việc xây dựng bộ tiêu chí rủi ro xã hội theo thông lệ quốc tế sẽ là nền tảng giúp các tổ chức tín dụng hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro môi trường – xã hội, đồng thời đáp ứng yêu cầu của các định chế tài chính quốc tế trong việc nhận vốn tài trợ và ủy thác đầu tư vào các dự án xanh.
Thứ tư, cần xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về đánh giá rủi ro môi trường, xã hội và có cơ chế, chính sách để các tổ chức tín dụng khai thác tối đa nguồn dữ liệu này.
Chi tiết tại đây: https://vneconomy.vn/hiep-hoi-ngan-hang-thieu-tieu-chi-dinh-luong-doi-voi-khung-phap-ly-tin-dung-xanh.htm
(Theo TT) Ba dự luật then chốt định hình tương lai tiền điện tử tại Mỹ
Lần đầu tiên trong lịch sử, giá Bitcoin đã vượt mốc 120.000 USD. Đây là một cột mốc quan trọng đối với đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới, diễn ra ngay trước tuần lễ mang tính bước ngoặt đối với ngành này.
Theo kênh Al Jazeera, từ ngày 14/7, Tuần lễ Tiền điện tử sẽ là thời gian mà Hạ viện Mỹ thảo luận ba dự luật thân thiện với ngành tiền điện tử, vốn được kỳ vọng sẽ đem lại khung pháp lý rõ ràng cho lĩnh vực này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách điều chỉnh lại quy định theo hướng có lợi cho ngành này, từ bỏ loạt vụ kiện nhằm vào các công ty tiền điện tử do Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden (2021–2025) khởi xướng.
Kỳ vọng vào những động lực thuận lợi tiếp theo đã góp phần đẩy giá Bitcoin vốn đã tăng 29% từ đầu năm đến nay tiếp tục tăng lên mức kỷ lục 123.153,22 USD vào ngày 15/7. Bitcoin, đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới, bắt đầu được giao dịch vào tháng 1/2009 với mức giá chỉ 0,004 USD.
Đợt tăng giá này đã kích hoạt làn sóng tăng mạnh trên thị trường tiền mã hóa, khi Ether (loại token phổ biến thứ hai thế giới) đạt mức cao nhất trong năm tháng là 3.048,2 USD vào ngày 14/7.
Nhìn chung, theo dữ liệu của CoinMarketCap, tổng giá trị thị trường của toàn bộ ngành đã tăng lên khoảng 3.800 tỷ USD.
Tiền điện tử là một hình thức trao đổi tiền tệ cho phép người dùng không cần hệ thống ngân hàng trung ương và các phương thức thanh toán truyền thống.
Ba đạo luật quan trọng
Có ba dự luật chính được đưa ra trong Tuần lễ Tiền điện tử.
Đạo luật GENIUS (Guiding and Establishing National Innovation for US Stablecoins, tạm dịch: Định hướng và Thiết lập Đổi mới Quốc gia cho Stablecoin của Mỹ). Đạo luật này nhằm làm rõ thời điểm các tài sản kỹ thuật số như token được coi là chứng khoán hay hàng hóa, giúp các công ty khởi nghiệp tránh tình trạng mơ hồ pháp lý thông qua quy định rõ ràng. Dự luật này đã được Thượng viện Mỹ thông qua.
Đạo luật Clarity (Đạo luật Minh bạch) sẽ ngăn các cơ quan liên bang lạm dụng phán quyết của tòa án để mở rộng quyền lực quản lý, khẳng định rằng Quốc hội chứ không phải tòa án là bên phân loại và giám sát cách thức quản lý tài sản điện tử
Đạo luật Chống Giám sát bằng Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương cấm Cục Dự trữ Liên bang phát hành đồng tiền kỹ thuật số quốc gia (CBDC), với lập luận rằng điều này có thể tạo điều kiện theo dõi hoạt động tài chính của người dân Mỹ và đe dọa quyền riêng tư cá nhân.
Đây được xem là một bước ngoặt lớn đối với một ngành từng đe dọa rút khỏi Mỹ do môi trường pháp lý thù địch và cách quản lý hà khắc. Các quyết định trong tuần này có thể giúp các công ty dễ dàng hơn trong ra mắt sản phẩm tài sản kỹ thuật số mới và giao dịch tiền điện tử.
Tổng thống Trump quan tâm đến tiền điện tử như thế nào?
Từng hoài nghi tiền điện tử, nhưng ông Trump đã trở thành người ủng hộ mạnh mẽ lĩnh vực này trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, trở thành ứng viên tổng thống đầu tiên của một chính đảng lớn chấp nhận quyên góp bằng tiền điện tử.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, các nhà đầu tư tiền điện tử đã chi gần 250 triệu USD để hỗ trợ các chính trị gia ủng hộ tiền điện tử và loại bỏ những người phản đối.
Tháng 3 năm nay, ông Trump tuyên bố sẽ thành lập một quỹ dự trữ tiền điện tử bao gồm 5 loại tiền trong đó có Bitcoin và khẳng định sẽ biến Mỹ thành “thủ đô tiền điện tử của thế giới”.
Tổng thống Trump cũng bị chỉ trích vì xung đột lợi ích liên quan đến hoạt động kinh doanh của gia đình ông trong lĩnh vực này. Ví dụ, Tổ chức Tài chính Tự do Thế giới (World Liberty Financial) là một nhóm tiền điện tử do ông Trump và các con trai hậu thuẫn trong năm 2024 và đã mang về cho ông 57 triệu USD.
Diễn biến tăng giá của Bitcoin từ sau khi ông Trump tái đắc cử
Nếu Bitcoin là một quốc gia, quy mô GDP của nó sẽ nằm trong top 10 toàn cầu, tương đương với các nền kinh tế như Brazil (2.170 tỷ USD) hoặc Canada (2.140 tỷ USD).
Kể từ sau khi ông Trump tái đắc cử tổng thống vào tháng 11/2024, giá Bitcoin đã tăng 75%, từ mức khoảng 69.539 USD cuối ngày bầu cử lên mức cao kỷ lục hiện nay. Bitcoin lần đầu vượt mốc 100.000 USD vào tháng 12/2024.
Vào ngày 25/2, giá Bitcoin từng giảm xuống dưới 90.000 USD do lo ngại từ tuyên bố áp thuế của ông Trump đối với hàng loạt quốc gia và các ngành công nghiệp, nhưng đã phục hồi mạnh mẽ sau tuyên bố về quỹ dự trữ tiền điện tử.
Các nhà phân tích của Citibank viết trong một báo cáo tuần trước: “Bitcoin đã thể hiện sức chống chịu trong năm nay, phục hồi phù hợp với các biến động vĩ mô sau những thông báo về thuế quan”.
Chi tiết tại đây: https://baotintuc.vn/the-gioi/ba-du-luat-then-chot-dinh-hinh-tuong-lai-tien-dien-tu-tai-my-20250715204752597.htm