https://fta.dainam.edu.vn
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐẠI NAM
VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH
  • Tiếng Việt
  • Tiếng Việt
BẢN TIN VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH 17/06/2025

(Theo ĐPTTH Hà Nội) Thông qua luật mới, siết trái phiếu và quản lý doanh nghiệp.
 

Sáng 17/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp với hơn 95% đại biểu tán thành. Luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Luật được xây dựng với tinh thần tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, cập nhật các yêu cầu quản lý mới và phù hợp với xu thế phát triển.

Một trong những sửa đổi đáng chú ý là việc bổ sung quy định liên quan đến viên chức tham gia thành lập, góp vốn và quản lý doanh nghiệp. Theo đó, công chức, viên chức nhìn chung không được thực hiện các hoạt động này, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Quy định này được đưa ra nhằm đảm bảo sự đồng bộ với Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức và Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội, đồng thời khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công.

Luật cũng sửa đổi khoản 3 Điều 176, yêu cầu công ty cổ phần (trừ công ty niêm yết và đăng ký giao dịch chứng khoán) phải thông báo cho Cơ quan đăng ký kinh doanh trong vòng ba ngày làm việc nếu có thay đổi thông tin cổ đông là cá nhân, tổ chức nước ngoài. Quy định này giúp Nhà nước nắm bắt kịp thời biến động sở hữu doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư xuyên biên giới ngày càng gia tăng.

Luật cũng nhấn mạnh vai trò của UBND cấp tỉnh trong quản lý doanh nghiệp. Theo đó, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức cơ quan đăng ký kinh doanh, ban hành quy trình kiểm tra nội dung đăng ký bảo đảm công khai, minh bạch; đồng thời phối hợp chia sẻ thông tin về hoạt động và tình trạng pháp lý của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, trong trường hợp doanh nghiệp được thành lập theo luật chuyên ngành, cơ quan đăng ký có trách nhiệm tích hợp, chia sẻ và cập nhật thông tin với Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đây là bước đi quan trọng trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung, phục vụ công tác quản lý thống nhất và hiệu quả hơn.

Luật cũng bổ sung một số quy định liên quan đến thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi - người thực tế nắm giữ quyền kiểm soát doanh nghiệp nhưng không đứng tên chính thức. Theo đó, doanh nghiệp phải lưu giữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi ít nhất 5 năm kể từ khi giải thể hoặc phá sản.

Chính phủ sẽ quy định chi tiết về tiêu chí xác định, chủ thể kê khai và cách thức cung cấp, lưu trữ, chia sẻ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi. Đây là nội dung nhằm tăng cường minh bạch, phòng chống rửa tiền và nâng cao hiệu lực quản lý doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Chi tiết tại:

https://hanoionline.vn/thong-qua-luat-moi-siet-trai-phieu-va-quan-ly-doanh-nghiep-340731.htm

 

(Theo Người đưa tin) Doanh nghiệp, ngân hàng "kẹt" giữa vòng vây tài sản đảm bảo.

Tín dụng vẫn được kỳ vọng là dòng chảy cứu sinh cho doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đang loay hoay tìm động lực phục hồi. Tuy nhiên, để chạm được vào dòng chảy ấy, nhiều doanh nghiệp lại mắc kẹt giữa những rào cản liên quan đến tài sản đảm bảo.

Trong khi các ngân hàng than khó xử lý nợ do vướng hành lang pháp lý và rủi ro thẩm định, thì phía doanh nghiệp lại gặp khó khi tài sản không được công nhận, định giá quá thấp hoặc không phù hợp để thế chấp. Câu chuyện tưởng cũ nhưng ngày càng nhức nhối, bởi sự không gặp nhau giữa hai phía là người cần vay và người cho vay.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Tài chính, Công ty tư vấn tài chính Việt Wealth Management thẳng thắn chỉ ra nghịch lý trong tiếp cận tín dụng hiện nay. Sau đại dịch, dòng tiền của doanh nghiệp đã cạn kiệt. "Ai cũng nói mở "room" tín dụng để hỗ trợ, tung ra các gói vay ưu đãi vài nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp. Nhưng thực tế, mấy doanh nghiệp vừa và nhỏ chạm được vào những gói đó? Gần như không. Doanh nghiệp đã rất tổn thương nhưng vẫn bắt họ phải xếp hạng A,B,C, trong khi thực tế những doanh nghiệp thực sự đạt hạng đó lại không cần vay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Nam – Chủ tịch Tập đoàn SunUni Global Group (SUG Group) thì cho biết doanh nghiệp đang muốn mở rộng mô hình kinh doanh nhưng tài sản mang ra thế chấp không đủ để đáp ứng yêu cầu từ phía ngân hàng. Việc định giá tài sản thì không phản ánh đúng giá trị thị trường, có nơi chỉ định giá bằng một nửa. Điều này tạo ra rào cản lớn trong tiếp cận nguồn vốn có giá trị cao.

Nhiều doanh nghiệp buộc phải sử dụng tài sản cá nhân để thế chấp, khi tài sản của doanh nghiệp không đủ. Nhưng nếu vậy, đây không còn là bài toán hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi đó, tài sản cá nhân cũng bị ngân hàng định giá thấp sau khi khấu trừ theo tỉ lệ cho vay 70-80%, số tiền thực nhận rất hạn chế.

Hồ sơ vay tín chấp lại phức tạp, phải chứng minh được dòng tiền, doanh thu, lợi nhuận rõ ràng, ngân hàng thẩm định rất kỹ, nhưng giá trị vay lại nhỏ. "Điều doanh nghiệp mong muốn là ngân hàng có thể nhìn vào hồ sơ để đánh giá tiềm năng thực sự như tốc độ tăng trưởng doanh số trong 1-2 năm gần đây, năng lực nhân sự, định hướng phát triển để từ đó cân nhắc cấp tín dụng theo doanh số thay vì chỉ dựa vào lợi nhuận.

Áp lực giải ngân vốn của ngân hàng là có thật, nhưng sau Covid và giai đoạn lạm phát, rất ít doanh nghiệp đạt đủ điều kiện vay theo bộ tiêu chí đang áp dụng. Khi chưa tích góp đủ tài sản hoặc không có tài sản đảm bảo kịp thời, cơ hội đầu tư, cơ hội thị trường nhiều khi đã qua đi", ông Nam bày tỏ.

Chi tiết tại:

https://www.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-ngan-hang-ket-giua-vong-vay-tai-san-dam-bao-204250615221546824.htm

 

#DaiHocDaiNam #viencongnghetaichinh #dnufta #ChọnĐạiNamChạmThànhCông #fintech #Vinguoihoctantam #Totnghiepnhanh_Vieclamngay