https://fta.dainam.edu.vn
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐẠI NAM
VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH
  • Tiếng Việt
  • Tiếng Việt
BẢN TIN VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH 18/07/2025

(Theo VNEconomy) Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Chưa bao giờ ngành ngân hàng khát nhân lực số như hiện nay

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, ứng dụng công nghệ đã làm thay đổi kênh bán hàng cũng như các dịch vụ ngân hàng hay nghiệp vụ kế toán bên trong ngân hàng. Do đó, nếu ngân hàng nào thiếu đội ngũ am hiểu công nghệ thì ngân hàng đó phải đứng ngoài cuộc chơi…

Sáng ngày 16/7/2025, Tạp chí Một Thế Giới phối hợp với Thời báo Ngân hàng tổ chức Diễn đàn Nhân lực ngành Ngân hàng trước làn sóng công nghệ với chủ đề “Ngân hàng thời đại số: Đổi mới mô hình và tái cấu trúc nhân lực”.

Thứ nhất, đối với kênh bán hàng, theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, hiện nay trên 90% giao dịch của khách hàng thực hiện qua kênh số. Điều này đồng nghĩa không còn bất kể giao dịch viên nào, con người nào đọc chứng từ ngân hàng nữa.

Thứ hai, cán bộ ngân hàng trước kia rất hiểu về kế toán và công việc chính của họ là hạch toán. Tuy nhiên hiện nay máy tự động hạch toán ngay từ khâu quẹt tiền qua điện thoại trả tiền bán cá, bán rau... lập tức hệ thống trừ tiền của người mua hàng và chuyển qua người bán hàng. Thực tế khiến ngân hàng sinh ra đội ngũ nhân viên hoàn toàn khác trước đây.

Thứ ba, theo thống kê mỗi ngày có 50-100 triệu giao dịch tài chính. Do đó, phải xây dựng hệ thống áp dụng AI, áp dụng công nghệ mới để  kiểm soát, phát hiện những lỗi về giao dịch.

Theo thống kê từ Ngân hàng nhà nước, đến nay có gần 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP 5 tháng đầu năm 2025, đặc biệt là giao dịch qua mã QR tăng tới 78,09% về số lượng và 216,24% về giá trị.

Do sự gia tăng của khối lượng giao dịch và tài khoản, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhận định nhiều ngân hàng đang coi rủi ro về công nghệ thông tin tương tự như rủi ro về tín dụng.

Trước thực trạng này, một trong những giải pháp quan trọng và cần tập trung là đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân sự ngành Ngân hàng. "Chúng ta cần trang bị cho nhân lực những kiến thức mới, kỹ năng số, hiểu biết về công nghệ để có thể làm chủ và sử dụng hiệu quả các công cụ số như: chatbot, hệ thống phân tích dữ liệu", Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết.

Cũng liên quan đến đề xuất tăng nguồn nhân lực ngân hàng về công nghệ, Bà Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Phụ trách Học viện Ngân hàng, cho biết nhu cầu nhân lực có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin tăng lên rất mạnh.

Nếu như năm 2018, ngành ngân hàng cần 320.000 nhân lực về công nghệ thì đến 2026, con số này là 750.000 người. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung đang xảy ra dù đây là nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định năng lực cạnh tranh của ngân hàng.

Theo Phó Giám đốc Phụ trách Học viện Ngân hàng, để có được một nguồn cung nhân lực công nghệ đáp ứng đủ cầu trong ngành ngân hàng cần ban hành khung năng lực số cho ngành ngân hàng, tăng cường hợp tác theo “mô hình 3 nhà”: Ngân hàng nhà nước - Các cơ sở đào tạo - các cơ sở tài chính, khoa học công nghệ.

Chi tiết tại:

https://vneconomy.vn/pho-thong-doc-ngan-hang-nha-nuoc-chua-bao-gio-nganh-ngan-hang-khat-nhan-luc-so-nhu-hien-nay.htm

 

(Theo TBNH) Thanh toán số giúp quản lý tài chính hiệu quả

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, hiện nay 87% số người trưởng thành tại Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng. Trong khi số liệu thống kê của NHNN cũng cho biết, 5 tháng đầu năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục có những bước tiến mới, tổng giao dịch tăng 45,44% về số lượng và 25,21% về giá trị so với cùng kỳ 2024. Đặc biệt, giao dịch qua Internet, điện thoại di động và QR Code đều tăng trưởng ấn tượng, trong khi giao dịch qua ATM giảm, phản ánh xu hướng chuyển dịch sang thanh toán số.

Đối với doanh nghiệp, thanh toán số ngày càng đóng vai trò thiết yếu, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ ban hành các quy định mới về thuế. Theo Nghị định 181/2025/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025), doanh nghiệp bắt buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua vào (kể cả hàng hóa nhập khẩu) từ 5 triệu đồng trở lên để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Quy định này không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ chính sách thuế, mà còn góp phần minh bạch hóa dòng tiền, giảm thiểu rủi ro sai sót và nâng cao hiệu quả quản trị tài chính.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thanh toán số không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình giao dịch mà còn tạo nền tảng quan trọng cho quản trị tài chính hiệu quả. Khi tập trung dòng tiền tại ngân hàng có nền tảng công nghệ hiện đại, doanh nghiệp có thể theo dõi dòng tiền vào - ra chính xác, kịp thời, từ đó đánh giá khả năng thanh khoản, cân đối vốn lưu động và đưa ra quyết định đầu tư, vay vốn hoặc tái cấu trúc tài chính một cách chủ động. Đồng thời, việc giao dịch qua kênh số sẽ góp phần hình thành hồ sơ tài chính minh bạch - yếu tố then chốt để doanh nghiệp nâng cao uy tín, thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng.

Sự phát triển nhanh của thanh toán số cũng kéo theo những thách thức mới về bảo mật thông tin và an ninh mạng. Theo các chuyên gia, nhóm hộ kinh doanh, tiểu thương và doanh nghiệp nhỏ thường dễ trở thành mục tiêu tấn công trên không gian mạng do hạn chế về kỹ năng công nghệ, chưa đầy đủ nhận thức về bảo mật giao dịch và bảo vệ dữ liệu khách hàng. Vì vậy, các ngân hàng và tổ chức tài chính cần chủ động triển khai các giải pháp nâng cấp hệ thống phòng vệ, tăng cường đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật và công nghệ bảo mật tiên tiến như mã hóa dữ liệu, xác thực đa lớp, cảnh báo rủi ro theo thời gian thực. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo mật số cho người dùng, qua đó giúp khách hàng yên tâm khi sử dụng dịch vụ.

Chi tiết tại:

https://thoibaonganhang.vn/thanh-toan-so-giup-quan-ly-tai-chinh-hieu-qua-167308.html

 

(Theo GDXH) Từ 1/9, ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank... sẽ đóng vĩnh viễn hàng triệu tài khoản không đáp ứng được điều kiện này

Hơn 86 triệu tài khoản ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank... sẽ bị xóa sổ nếu chưa xác thực sinh trắc học.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, hiện cả nước có khoảng 200 triệu tài khoản ngân hàng cá nhân đã được mở, tuy nhiên chỉ 113 triệu trong số đó đã được xác thực danh tính bằng sinh trắc học.

Con số hơn 86 triệu tài khoản còn lại, vốn không phát sinh giao dịch trong thời gian dài, được xem là tiềm ẩn nhiều rủi ro và sẽ bị loại bỏ. Trên thực tế, nhiều ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, Techcombank đã chủ động rà soát và khóa các tài khoản có dấu hiệu đáng ngờ trước khi quy định được áp dụng đồng bộ. Đây được xem là biện pháp mạnh nhằm làm sạch hệ thống tài khoản ngân hàng, đồng thời ngăn chặn tình trạng tội phạm công nghệ cao, gian lận tài chính trên môi trường số.

Song song với việc loại bỏ tài khoản không xác thực, các cơ quan chức năng cũng đang mạnh tay siết chặt các quy định pháp lý để tăng tính răn đe. NHNN đang xây dựng một kho dữ liệu tập trung về các tài khoản có dấu hiệu gian lận, đồng thời dự thảo nghị định nâng mức phạt đối với hành vi cho thuê, mượn tài khoản lên tối đa 200 triệu đồng, cao gấp 4-5 lần hiện nay. Ở góc độ cứng rắn hơn, Bộ Công an cũng đang đề xuất bổ sung quy định xử lý hình sự đối với các hành vi này.

Biện pháp xác thực sinh trắc học không chỉ áp dụng với tài khoản cá nhân. Kể từ ngày 1/7 vừa qua, các tài khoản doanh nghiệp cũng bắt buộc phải thực hiện định danh sinh trắc học của người đại diện hợp pháp để đủ điều kiện giao dịch. Hiện đã có khoảng 711.000 tài khoản tổ chức, chiếm 55% tổng số, đã hoàn thành việc đối chiếu thông tin theo quy định mới.

Nếu không có phản hồi trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận thông báo, hệ thống sẽ tự động đóng tài khoản cùng các dịch vụ liên quan như SMS Banking, E-Mobile Banking…

Cần làm gì để tránh bị đóng tài khoản?

Trước khi đóng tài khoản không hoạt động, các ngân hàng thường gửi thông báo qua nhiều kênh như SMS, email, ứng dụng ngân hàng số để khách hàng có thời gian thực hiện giao dịch hoặc đưa ra quyết định về việc tiếp tục sử dụng tài khoản.

Để duy trì tài khoản, khách hàng chỉ cần thực hiện ít nhất một giao dịch như chuyển khoản, nạp tiền hoặc thanh toán hóa đơn trong thời gian quy định.

Ngoài ra, người dân nên kiểm tra thường xuyên thông tin tài khoản và cập nhật chính xác số điện thoại, email để nhận thông báo kịp thời từ ngân hàng. Trong trường hợp không còn nhu cầu sử dụng, người dùng nên chủ động liên hệ ngân hàng để khóa tài khoản nhằm tránh rủi ro phát sinh và giảm gánh nặng quản lý.

Chi tiết tại:

https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tu-1-9-ngan-hang-vietcombank-vietinbank-bidv-agribank-se-dong-vinh-vien-hang-trieu-tai-khoan-khong-dap-ung-duoc-dieu-kien-nay-172250718081842959.htm

 

#Fintech #Congnghetaichinh #dnu_fta #Bantin