https://fta.dainam.edu.vn
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐẠI NAM
VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH
  • Tiếng Việt
  • Tiếng Việt
BẢN TIN VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH 19/06/2025

(Theo TBNG) Công nghệ chiến lược đang hút mạnh vốn ngân hàng.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1131/QĐ-TTg, phê duyệt danh mục công nghệ chiến lược và sản phẩm công nghệ chiến lược đến 2030, thuộc các lĩnh vực như: AI, chip bán dẫn, 5G/6G, điện toán đám mây, blockchain, robot-tự động hóa, năng lượng tái tạo… Như vậy đây là những lĩnh vực ưu tiên phát triển mạnh, tạo nền tảng cho quá trình làm chủ công nghệ và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Quyết định này cũng tạo ra cơ sở chiến lược để hệ thống ngân hàng tái cơ cấu dòng vốn, chuyển từ tín dụng truyền thống sang tín dụng có chọn lọc, đổi mới, xanh hóa và số hóa.

Thực tế, trước khi Thủ tướng ban hành Quyết định 1131, các lĩnh vực chuyển đổi số, hạ tầng thông minh, giao thông, điện lực và công nghiệp công nghệ cao (trong đó có áp dụng các công nghệ thực tế ảo, blockchain, AI, tự động hóa…) đã được ngành Ngân hàng rất chú trọng. Tại sự kiện “Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng” diễn ra vào cuối tháng 5/2025, NHNN đã cùng 21 ngân hàng công bố chương trình cho vay ưu đãi 500.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các lĩnh vực này. Theo đó, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) mỗi đơn vị cam kết sẽ dành ra 60.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn ít nhất 1%/năm so với lãi suất các khoản vay thông thường cùng kỳ hạn. Các ngân hàng như MB, Techcombank, ACB, VIB, TPBank... mỗi đơn vị cam kết sẽ cho vay 20.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nhóm ngân hàng quy mô nhỏ hơn, như NamABank, KienlongBank, NCB… cũng cam kết sẽ đồng hành khoảng 4.000 tỷ đồng/đơn vị để thúc đẩy cho vay vào các dự án hạ tầng trọng điểm.

Theo tìm hiểu của phóng viên Thời báo Ngân hàng, NHNN đã làm việc với các bộ, ngành liên quan, như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ để hoàn thiện tiêu chí các dự án thuộc diện được hưởng ưu đãi tiếp cận vốn. Song thực tế triển khai một số dự án cho thấy có vướng mắc về chuẩn định nghĩa “hạ tầng số”, “công nghệ số” và khung danh mục dự án ưu tiên khi vẫn chưa có sự thống nhất giữa các bộ, ngành liên quan. Do đó, chưa có số liệu thống kê chính thức từ các tổ chức tín dụng về kết quả cho vay và giải ngân đối với gói tín dụng lớn này. Theo NHNN chi nhánh Khu vực 2, đến cuối tháng 5/2025 dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt khoảng 4,08 triệu tỷ đồng, trong đó gói tín dụng các tổ chức tín dụng đăng ký giải ngân trong Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2025 đóng góp đáng kể.

Hiện nay, một số ngân hàng lớn rất chú trọng và dành nguồn lực tài chính lớn để cho vay đối với các dự án xanh. Chẳng hạn, Agribank cam kết dành gần 30.000 tỷ đồng để cho vay các doanh nghiệp, dự án xanh hóa. Trong đó, đến hết quý I/2025 dư nợ cho vay các dự án xanh của hệ thống ngân hàng này đã đạt 29.300 tỷ đồng; giải ngân cho vay đối với trên 41.600 doanh nghiệp trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững.

Từ những chuyển biến trên, các chuyên gia nhận định, thời gian tới dòng vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ chảy mạnh vào các nhóm “lĩnh vực ưu tiên mới” theo Quyết định số 1131/QĐ-TTg. Tuy nhiên để chính sách này thực sự lan tỏa cần có sự triển khai đồng bộ ở các bộ, ngành, địa phương. Từ đó hệ thống ngân hàng sẽ tái cơ cấu dòng vốn, chuyển từ tín dụng truyền thống sang tín dụng có chọn lọc, đổi mới, xanh hóa và số hóa. Điều này không chỉ góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% năm 2025, mà còn đặt nền móng vững chắc để Việt Nam tiến bước vào nền kinh tế công nghệ cao, chủ động, bền vững và hội nhập sâu rộng.

Chi tiết tại:

https://thoibaonganhang.vn/cong-nghe-chien-luoc-dang-hut-manh-von-ngan-hang-165878.html

 

Theo ĐTCK) Tăng minh bạch, củng cố niềm tin hệ thống ngân hàng.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chia sẻ: “Xây dựng và công bố chỉ số minh bạch thông tin của hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính sẽ tạo ra sân chơi minh bạch để mọi người dân có thể có đầy đủ thông tin để đánh giá sự minh bạch của hệ thống ngân hàng”.

Thực tế không thể phủ nhận phát triển tài chính toàn diện hết sức cần thiết để đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính cần thiết cho cuộc sống. Để phát triển được tài chính toàn diện, một trong những vấn đề quan trọng là mở rộng hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính như phát triển mạng lưới chi nhánh, áp dụng công nghệ số, fintech… giúp thúc đẩy quá trình phát triển này. Tuy nhiên, việc tạo môi trường minh bạch và an toàn, tôi cho rằng hết sức cần thiết để khách hàng có thêm niềm tin và an tâm khi sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức.

Một vấn đề được quan tâm đặc biệt trong phát triển tài chính toàn diện liên quan đến an toàn tài chính. Rõ ràng, người dân sẽ không tham gia nếu cảm thấy rủi ro, mất tiền do bị lừa đảo và dữ liệu cá nhân bị đánh cắp. Do đó, việc áp dụng các tiêu chuẩn bảo mật công nghệ như xác thực sinh trắc học, mã hóa, OTP... cùng với luật lệ để bảo vệ dữ liệu cá nhân là điều được đặt lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, tính minh bạch là yếu tố sống còn trong việc duy trì niềm tin trên thị trường tài chính. Câu chuyện minh bạch tài chính giúp khách hàng hiểu rõ được quyền lợi, rủi ro, chi phí, nghĩa vụ khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính. Thiếu minh bạch có thể khiến khách hàng mất niềm tin, làm gia tăng nguy cơ đổ vỡ hệ thống. Vì vậy, các ngân hàng công khai các biểu phí, lãi suất, truyền thông liên tục cho khách hàng về những lợi ích và rủi ro của từng sản phẩm, dịch vụ là hết sức cần thiết.

Hiện nay, khách hàng có thể tiếp cận được rất nhiều nguồn thông tin khác nhau trên mạng xã hội, báo chí và các kênh truyền thông khác. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân cũng đang phải đương đầu với việc có quá nhiều thông tin, trong đó không ít là không chính xác. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan, bộ ngành đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng thị trường, cung cấp thông tin chính thống đáng tin cậy sẽ giúp ổn định thị trường và tăng niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính. Bản thân từng ngân hàng cũng có vai trò quan trọng khi đưa ra các thông tin chính xác, kịp thời và minh bạch cho thị trường. Ngoài việc tạo dựng niềm tin vào tổ chức, điều này còn góp phần duy trì sự ổn định chung cho thị trường tài chính.

Cuộc cách mạng AI giúp các cá nhân tận dụng Internet tốt hơn. Tuy nhiên, chất lượng thông tin cung cấp bởi AI phụ thuộc rất lớn vào chất lượng thông tin đầu vào và các mặt trái mà chúng ta cần lưu ý. Tôi muốn dẫn chứng ví dụ như đó là dữ liệu đầu vào có nguy cơ sai lệch và thiên vị có thể dẫn đến những quyết định không công bằng. Nói theo một cách khác, nếu chúng ta chỉ thu thập dữ liệu từ khách hàng nam giới thì việc chấm điểm tín dụng cho khách hàng nữ sẽ không chính xác.

Việc xây dựng và công bố chỉ số minh bạch thông tin của hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính sẽ tạo ra sân chơi minh bạch để mọi người dân có thể có đầy đủ thông tin để đánh giá sự minh bạch của hệ thống ngân hàng. Việc công bố chỉ số này thúc đẩy các ngân hàng nâng cao mức độ minh bạch của tổ chức và cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng quản lý hơn. Việc các ngân hàng nâng cao sự minh bạch cũng giúp tăng tính ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống.

Chi tiết tại:

https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/tang-minh-bach-cung-co-niem-tin-he-thong-ngan-hang-post371202.html

(Theo Báo QDND) Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cảnh báo rủi ro hệ thống khi nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng.

Sáng 19-6, tại phiên chất vấn ở Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã phát biểu làm rõ một số nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực ngân hàng. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, sau 40 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, quá trình phát triển cũng bộc lộ nhiều tồn tại, đòi hỏi cần rà soát lại toàn diện các động lực tăng trưởng để "làm mới", như yêu cầu của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Quốc hội đã đặt ra.

Dưới góc độ đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ rõ, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào vốn, trong khi hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, thể hiện ở chỉ số ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) của Việt Nam còn cao hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Đáng chú ý, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đến cuối năm 2024 đã đạt 134%, cho thấy nền kinh tế đang phụ thuộc quá nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng. "Nếu tiếp tục như vậy, sẽ tiềm ẩn rủi ro hệ thống và có thể gây hệ lụy cho nền kinh tế", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cảnh báo, đồng thời nhấn mạnh như vậy thì khó có thể vừa tăng trưởng cao lại đi đôi với bền vững.

“Đây là một vấn đề mà cả Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như các bộ, ngành điều hành kinh tế vĩ mô trong giai đoạn tới hết sức lưu ý khi cân đối nguồn vốn cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Với hàng loạt dự án lớn chuẩn bị triển khai từ nay đến năm 2030 như 2.000km đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, sân bay, cảng biển, quy hoạch điện VIII, chuyển đổi năng lượng theo cam kết COP26, Thống đốc nêu quan điểm, các cơ quan chức năng cần tính toán rõ ràng nguồn vốn, khả năng vay, phân kỳ đầu tư, tránh bị động khi khởi công dự án, đồng thời không tạo áp lực lớn đến rủi ro vĩ mô, để “chúng ta đạt được tăng trưởng cao nhưng đi đôi với bền vững”.

Với vai trò là “huyết mạch của nền kinh tế”, hệ thống ngân hàng tiếp tục huy động vốn nhàn rỗi để cho vay, từ đó kích hoạt, dẫn dắt và lan tỏa các động lực tăng trưởng như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Theo thống kê, trong nhiệm kỳ này, tín dụng tăng bình quân 14-15%/năm, cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực.

Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt chỉ tiêu tín dụng khoảng 16% và sẵn sàng điều chỉnh linh hoạt nếu lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục phát triển mạnh, đa dạng hóa dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngành ngân hàng là một trong những ngành tiên phong trong chuyển đổi số, qua đó giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Với vai trò điều hành chính sách tiền tệ trong nền kinh tế có độ mở lớn, Thống đốc khẳng định: “Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo sát diễn biến để điều hành linh hoạt; thực hiện các giải pháp điều hành hợp lý, với thời lượng, thời gian hợp lý để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống”.

Về việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho các dự án xanh, tuần hoàn theo yêu cầu của Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Bộ Tài chính đang xây dựng kênh cho vay từ các quỹ, còn nếu vay qua ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để ban hành hướng dẫn cụ thể, khắc phục bất cập của gói hỗ trợ lãi suất 2% trong chương trình phục hồi nền kinh tế trước đây.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính để cân nhắc lồng ghép chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 68.

Chi tiết tại:

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thong-doc-nguyen-thi-hong-canh-bao-rui-ro-he-thong-khi-nen-kinh-te-phu-thuoc-qua-nhieu-vao-nguon-von-tin-dung-833470