https://fta.dainam.edu.vn
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐẠI NAM
VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH
  • Tiếng Việt
  • Tiếng Việt
BẢN TIN VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH 19/07/2025

(Theo ĐTCK) Phó tổng giám đốc SSID: Việt Nam là một trong những thị trường tài sản số lớn

Trong chương trình “Café Cùng Chứng” do Chứng khoán SSI tổ chức, ông Lê Bảo Nguyên, Giám đốc dự án kiêm trợ lý Chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc CTCP Công nghệ số SSI (SSID) cho biết, nhờ công nghệ blockchain, hàng loạt tài sản số đã được ra đời, điển hình về tài sản số là Bitcoin - đồng tiền mã hóa đầu tiên và nổi bật nhất hiện nay. Tuy nhiên, blockchain không chỉ dùng để tạo ra tiền mã hóa, mà có rất nhiều ứng dụng khác nhau, mở rộng ra các lĩnh vực như NFT (tài sản kỹ thuật số không thể thay thế), token hóa tài sản và nhiều loại tài sản số khác.

Ông Bảo Nguyên chia sẻ, thị trường tài sản mã hóa đã hình thành và phát triển hơn 10 năm, kể từ khi Bitcoin ra đời vào năm 2009 - 2010. Trong thời gian đầu, thị trường này mang tính chu kỳ rất rõ rệt, thường xuyên biến động theo dạng hình parabol, tức tăng mạnh rồi lại giảm sâu. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, đã chứng kiến sự tham gia của các định chế tài chính lớn như BlackRock, VanEck… Họ không chỉ mua Bitcoin mà còn phát hành ETF Bitcoin, góp phần làm cho thị trường ngày càng minh bạch và ổn định hơn.

Điều đó có nghĩa là tài sản số đang dần trở thành một lớp tài sản chính thống. Những nhà đầu tư lớn, thậm chí là các tỷ phú, đã bắt đầu chuyển một phần tài sản của họ sang lĩnh vực này. Hiện nay, các loại tài sản số tiêu biểu bao gồm Bitcoin, Ethereum, Solana, cùng với hàng loạt dự án công nghệ hạ tầng blockchain.

Về dài hạn, tài sản số được kỳ vọng sẽ được ứng dụng vào nhiều mục đích thiết thực hơn, như gọi vốn cho các dự án công, token hóa bất động sản và thu hút vốn ngoại cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Đây là một thị trường tiềm năng rất lớn.

Tuy nhiên, với Luật Công nghiệp Công nghệ số mới được ban hành, tài sản số đã chính thức được công nhận là một loại tài sản hợp pháp tại Việt Nam. Dù luật có hiệu lực từ ngày 1/5/2026, nhưng đây là mốc quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình về mặt pháp lý.

 

Chỉ khi nào tài sản số được pháp luật công nhận, được phép lưu hành, mua bán đúng cách, có cơ chế chuyển nhượng, thừa kế rõ ràng, có sự giám sát của các tổ chức trong nước, thì thị trường mới thực sự minh bạch và lành mạnh. Hiện tại, phần lớn hoạt động vẫn diễn ra trong vùng xám, thiếu định danh rõ ràng và thiếu cơ sở pháp lý bảo vệ người tham gia.

Một cột mốc khác quan trọng, đó là lần đầu tiên, một địa danh Việt Nam sẽ được gắn với một công ước quốc tế về không gian mạng. Cụ thể, tới đây, Việt Nam sẽ đăng cai lễ ký kết Công ước Liên Hợp quốc về phòng chống tội phạm mạng. Đây cũng là bước đi thể hiện sự quyết tâm rất lớn, mở ra kỷ nguyên mới của tài sản số ở Việt Nam.

“Chúng ta phải tìm hiểu dự án mình định đầu tư là gì? Ai là người đứng sau dự án? Với những tài sản đã được xác lập vị thế như Bitcoin, Solana, Ethereum... thì có thể mua tích trữ dần, đó là chiến lược rất ổn. Còn với các nhà đầu tư mới, thường mất tiền vì đầu tư vào những dự án mà họ không hiểu rõ. Cho nên, phải xác định rõ mình đang đầu tư dài hạn theo hướng tích trữ giá trị, hay chỉ muốn lướt sóng? Vì nếu chọn cách thứ hai, thì rủi ro luôn rất cao”, ông Nguyên nói.

Chi tiết tại:

https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/pho-tong-giam-doc-ssid-viet-nam-la-mot-trong-nhung-thi-truong-tai-san-so-lon-post373287.html

 

(Theo TBNH) OCB phối hợp cùng quỹ đầu tư Genesia Ventures tổ chức Hội nghị banking Innovation for Startups

Ngày 18/07/2025, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã phối hợp cùng Quỹ đầu tư Genesia Ventures tổ chức hội nghị Banking Innovation For Startups nhằm mang đến những thông tin chia sẻ về cơ chế, tư duy đổi mới của ngân hàng khi hỗ trợ vốn cho Startups cũng như cơ hội tận dụng nguồn lực tài chính từ ngân hàng dành riêng cho phân khúc này.

Sự kiện có sự tham dự của các Quỹ đầu tư, Founder (nhà sáng lập), CEO của gần 70 doanh nghiệp. Theo đó, với chủ đề “Giải mã thách thức và yếu tố then chốt trong xây dựng chương trình cho vay bền vững cho Startups tại Việt Nam và vai trò hỗ trợ của ngân hàng”, cuộc đối thoại giữa ông Phạm Hồng Hải – Tổng Giám đốc OCB cùng Bà Hoàng Thị Kim Dzung - Giám đốc Quốc gia của Genesia Ventures đã cùng phân tích, trao đổi về các nội dung hiện đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ thị trường nói chung cũng như các doanh nghiệp Startup nói riêng như: Rào cản khiến Startups “khó chạm đến” các gói vay; Ngân hàng đang thay đổi như thế nào để đồng hành cùng hệ sinh thái khởi nghiệp và phân tích một case study - nơi Ngân hàng, Quỹ đầu tư và Startups đã cùng đồng hành phát triển.

Tiếp đến là phiên thảo luận “Mở khóa tài chính ngân hàng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp” với sự trao đổi của các diễn giả là các nhà sáng lập kiêm CEO của các Startup đã tạo được tiếng vang trên thị trường như: Ông Nguyễn Hải Ninh - Founder kiêm CEO M Village; Ông Nguyễn Hoàng – Co-founder kiêm CEO Buymed; Ông Trương Công Thành - Founder kiêm CEO Ecomobi. Phiên thảo luận đã mang đến góc nhìn thực tiễn và đưa ra những bài học kinh nghiệm giúp Startups vượt rào cản tín dụng truyền thống để tiếp cận vốn ngân hàng mà không cần tài sản bảo đảm, đặc biệt là những Startup công nghệ và thương mại điện tử. Từ đó giúp tối ưu vận hành và kịp thời nắm bắt cơ hội thị trường một cách hiệu quả.

Được biết, với chiến lược tập trung đẩy mạnh phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nói chung cũng như Startups nói riêng, những năm trở lại đây, OCB đã tiến hành hợp tác cùng các Quỹ đầu tư do AOZ góp vốn tại Việt Nam – tiêu biểu là Genesia Ventures để triển khai các giải pháp tài chính toàn diện dành riêng phân khúc này. Nổi bật là sản phẩm cho vay vốn lưu động không tài sản bảo đảm, tài trợ vốn chủ yếu dựa vào dòng tiền và tài sản hình thành trong tương lai, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Yoshizawa Toshiki - Đại diện AOZ, Thành viên HĐQT OCB cho biết, trong bối cảnh Nghị quyết số 68-NQ/TW xác định phát triển kinh tế tư nhân là một trụ cột của nền kinh tế, đồng thời nhấn mạnh vai trò của các ngân hàng trong việc tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh, bền vững và thúc đẩy các hình thức cho vay dựa trên dòng tiền, kế hoạch kinh doanh, OCB càng thêm tin tưởng vào định hướng hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp SME thông qua hình thức tài trợ linh hoạt như Quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Fund) và cho vay mạo hiểm (Venture Debt) của mình. "Chúng tôi – Aozora và OCB sẽ tiếp tục đồng hành cùng hệ sinh thái khởi nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, thực hiện đúng tinh thần mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra: “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, và phát triển bền vững", ông Yoshizawa Toshiki khẳng định.

Chi tiết tại:

https://thoibaonganhang.vn/ocb-phoi-hop-cung-quy-dau-tu-genesia-ventures-to-chuc-hoi-nghi-banking-innovation-for-startups-167544.html

 

(Theo Chinhphu.vn) Các ngân hàng phối hợp chặt chẽ với Tòa án gỡ vướng xử lý nợ xấu

Các ngân hàng, hiệp hội và cơ quan quản lý khẳng định cần khung pháp luật đồng bộ để tháo gỡ vướng mắc xử lý nợ xấu, tranh chấp tín dụng. Những đề xuất nhấn mạnh việc phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và tòa án, cải thiện quy trình thi hành án, bảo đảm minh bạch và giảm áp lực hệ thống.

Tại hội thảo "Nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng tại Tòa án nhân dân", dưới góc độ NHTM, bà Phan Thị Hồng Vân – Phó Giám đốc Khối Pháp chế và Tuân thủ VietinBank đánh giá cao sự phối hợp của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan thi hành án trong quá trình thu hồi nợ. Sự hỗ trợ này giúp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả. Ngoài ra, các văn bản pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn là nền tảng để ngân hàng điều chỉnh quy trình, giảm thiểu rủi ro.

Đại diện Bộ Tư pháp nhấn mạnh, Bộ luật Dân sự 2015 bảo đảm cân bằng quyền và nghĩa vụ, tránh lạm dụng. Điều 9 và 10 quy định hạn chế quyền dân sự để bảo vệ lợi ích công cộng và quyền của bên liên quan. Ví dụ, nếu người vay thay đổi nơi cư trú mà không thông báo, tòa án có thể áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.

Pháp luật cũng bảo vệ người thứ ba ngay tình, thông qua quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm. Người đứng tên trên giấy tờ pháp lý được coi là chủ thể có quyền định đoạt, và người giao dịch ngay tình được bảo vệ quyền lợi.

Bộ Tư pháp phân biệt rõ "Hợp đồng bảo đảm" và "Biện pháp bảo đảm". Hợp đồng bảo đảm là thỏa thuận, còn biện pháp bảo đảm (như thế chấp, cầm cố) là công cụ thực thi. Hợp đồng vẫn có hiệu lực khi được công chứng, chứng thực, dù chưa đăng ký biện pháp bảo đảm. Việc chưa đăng ký chỉ ảnh hưởng quyền ưu tiên thanh toán, không làm hợp đồng vô hiệu. Một số quyết định tòa án tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp vì lý do này bị coi là chưa chính xác.

Lãnh đạo NHNN lưu ý: Việc tính lãi trên khoản lãi trong hạn chưa trả là cần thiết. Lãi là phí sử dụng vốn; ngân hàng huy động từ cá nhân, tổ chức và vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền. Nếu khách hàng chậm trả, phải trả lãi chậm theo Điều 357 và 468 Bộ luật Dân sự, mức không vượt 20%/năm. 

Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn cũng lưu ý, Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định thứ tự thu nợ: khi nợ quá hạn, phải thu gốc trước, sau đó lãi; trong lãi, thu lãi quá hạn trước, rồi lãi trong hạn. Các quy định này nhằm bảo đảm minh bạch và hạn chế phát sinh lãi chồng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn khẳng định: Việc xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp tín dụng hiệu quả mang lại lợi ích cho tất cả các bên, đặc biệt với ngân hàng. Nguồn vốn của ngân hàng chủ yếu đến từ huy động tiền gửi, nên ngân hàng phải đảm bảo hoàn trả cho người gửi tiền. Do đó, nếu tranh chấp được xử lý nhanh gọn, nguồn vốn sẽ được thu hồi kịp thời, giúp bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và duy trì dòng vốn cho vay tiếp tục luân chuyển trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cơ chế xử lý hiệu quả còn tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế. Khi ngân hàng không phải mất nhiều nguồn lực xử lý tranh chấp, chi phí hoạt động giảm, lãi suất có thể điều chỉnh linh hoạt hơn. Điều này góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, Tòa án Tối cao đang chuẩn bị hai dự án luật quan trọng trình Quốc hội: Luật Phá sản sửa đổi và Luật về Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế. Các luật này sẽ tác động lớn đến hoạt động ngân hàng, nhất là về xử lý tài sản bảo đảm và tranh chấp phát sinh tại trung tâm tài chính đặt ở TP.HCM và Đà Nẵng.

"Sự phối hợp đồng bộ giữa ngân hàng, cơ quan quản lý và hệ thống tòa án được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn thời gian xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng xét xử và tạo môi trường tín dụng minh bạch, hiệu quả hơn cho nền kinh tế", đại diện", lãnh đạo TAND Tối cao nhấn mạnh.

Chi tiết tại:

https://baochinhphu.vn/cac-ngan-hang-phoi-hop-chat-che-voi-toa-an-go-vuong-xu-ly-no-xau-10225071819060085.htm

 

#Fintech #Congnghetaichinh #dnu_fta #Bantin