https://fta.dainam.edu.vn
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐẠI NAM
VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH
  • Tiếng Việt
  • Tiếng Việt
BẢN TIN VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH 19/5/2025

(Theo SOHA) Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á lao đao vì tín dụng online, 2/3 dân số trên 15 tuổi vay nợ trực tuyến.

 

Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK) cho hay nước này có 137 triệu người, tương đương 2/3 dân số trên 15 tuổi đang nợ 66 nghìn tỷ Rupiah, tương đương 4 tỷ USD nợ chưa thanh toán thông qua các nền tảng kỹ thuật số. Con số này cao hơn rất nhiều so với 18,6 triệu người vay nợ 13,16 nghìn tỷ Rupiah vào năm 2019. 

 

"Sự gia tăng này diễn ra khi nhiều người, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, phải vật lộn với sự suy giảm kinh tế sau đại dịch để cố gắng duy trì mức chi tiêu cần thiết như trước đại dịch", chuyên gia Izzudin Al Farras tại Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (INDEF) cho biết.

 

Công chức Indonesia Fajar đã vay khoản vay trực tuyến đầu tiên sau khi nhìn thấy một quảng cáo bật lên trên mạng xã hội vào năm 2019. Thế nhưng từ khoản vay ban đầu đó, với tổng giá trị chỉ hơn 310 USD theo tỷ giá hối đoái của tháng 12/2019, cuối cùng anh Fajar đã phải trả lại gần gấp 3 số tiền vay ban đầu. Đến năm 2022, tổng số nợ chưa thanh toán của Fajar đã tăng vọt lên 102 triệu Rupiah và người đàn ông này không phải trường hợp duy nhất ở Indonesia.

 

Sự bùng nổ của vay trực tuyến trên mạng đã khiến vô số nhà đầu tư ở Indonesia nhảy vào mảng này. Hãng Standard Chartered đã đầu tư vào SPayLater, một thực thể trả sau được tích hợp với Shopee. Công ty Ant Financial và Sequoia Capital đã đầu tư vào AkuLaku còn ngân hàng Mizuho chi tiền cho Kredivo trong khi Credit Saison đầu tư vào Julo.

 

Ngày nay, ngày càng nhiều người đi vay tố cáo các hành vi vi phạm quy định của các nền tảng cho vay online, bao gồm các hoạt động thu nợ phi đạo đức như đe dọa công bố dữ liệu cá nhân của người đi vay và đe dọa bằng lời nói, khiến một số người tự tử.

 

Chi tiết tại :

https://soha.vn/nen-kinh-te-lon-nhat-dong-nam-a-lao-dao-vi-tin-dung-online-2-3-dan-so-tren-15-tuoi-vay-no-truc-tuyen-198250518115936552.htm

 

(Theo ĐTTCO) Những công nghệ định hình lại thế giới là AI và Blockchain.

 

Chưa bao giờ trong lịch sử, nhân loại cùng lúc đứng trước 3 làn sóng công nghệ lớn gồm: trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain/Web3 và tiền tệ số ổn định (Stablecoins) hội tụ vào cùng một điểm, cùng một thời khắc.

 

Tại hội thảo Consensuc 2025, những tên tuổi như Nicolas Kokkalis (Pi Network), Lay Lay (Kite AI), Eric Weiner (Neo AI) hay David Fields (Radio AI) đã không chỉ bàn về công nghệ. Họ bàn về cách con người dù là cá nhân hay quốc gia có thể kiểm soát hoặc mất kiểm soát chính mình trong kỷ nguyên của trí tuệ không ngủ.

 

Khi được hỏi “chúng ta đang ở giai đoạn nào của AI?”, Nicolas ví thời khắc này như thời điểm điện năng ra đời, công nghệ đã có, nhưng ứng dụng đại chúng thì chưa. David Fields gọi nó là “Internet giữa thập niên 90”, chỉ khác là bây giờ AI có thể lan rộng không cần phải gói trong modem dial-up, mà được cắm vào mọi hạ tầng số.

 

Eric đưa ra khái niệm AI TP (AI Transaction Protocol) nơi mọi chỉ thị, dữ liệu, thanh toán và phân phối phần thưởng đều do AI thực hiện. Không qua ngân hàng, không cần thẻ tín dụng. Blockchain và stablecoin là “máu” để hệ tuần hoàn này vận hành.

 

Phiên hội thảo không chỉ là bản đồ tương lai. Nó là hồi chuông cảnh báo và lời mời gọi. Rằng thế giới sẽ không được xây dựng bởi một dự án AI đơn lẻ, cũng không được định hình bởi các tập đoàn trung ương hóa. Nó sẽ được đồng kiến tạo từ cộng đồng người thật, bằng công cụ của trí tuệ nhân tạo, trên hạ tầng phi tập trung.

 

Trong kỷ nguyên mới, cơ quan hộ tịch của loài người sẽ không còn nằm ở tòa thị chính, mà nằm trên blockchain. Và nếu bạn muốn là công dân bạn phải có danh tính. Không chỉ là ID mà là ID có lương tri.

 

Chi tiết tại: 

https://dttc.sggp.org.vn/nhung-cong-nghe-dinh-hinh-lai-the-gioi-la-ai-va-blockchain-post122816.html

 

(Theo VNExpress) Cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng có thể bị phạt tới 200 triệu đồng.

 

Theo Dự thảo lần 3 Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đang được lấy ý kiến, việc mua bán, thuê, cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng hoặc mua bán thông tin 1-10 tài khoản sẽ bị phạt từ 100 - 150 triệu đồng.

 

Mức xử phạt tăng lên 150-200 triệu đồng khi có vi phạm tương tự, với số lượng từ 10 tài khoản ngân hàng trở lên, mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Số tiền phạt theo dự thảo mới tăng gấp 2-4 lần so với hiện hành.

 

Tại phiên họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngày 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành tổng rà soát tài khoản ngân hàng, sim điện thoại để phòng ngừa tội phạm lừa đảo trực tuyến. Mục tiêu là tăng quản lý nhà nước, phòng ngừa và xử lý hiệu quả tình trạng lừa đảo này

 

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề cập phạt từ 200 triệu đến 250 triệu khi mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh. Mức phạt tương tự áp dụng khi có hành vi sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo, giao dịch thanh toán khống... mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Chi tiết tại:

https://vnexpress.net/cho-thue-muon-tai-khoan-ngan-hang-co-the-bi-phat-toi-200-trieu-dong-4887485.html

 

 #Fintech #CongngheTaichinh  #Nganhang

 

Phương Anh