https://fta.dainam.edu.vn
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐẠI NAM
VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH
  • Tiếng Việt
  • Tiếng Việt
BẢN TIN VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH 20/06/2025

(Theo PLO) Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn xanh.

Sáng 18-6, tại hội thảo "Treasury Leadership Forum 2025" do Standard Chartered Việt Nam tổ chức, bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng Giám đốc ngân hàng này, nhận định việc Việt Nam xây dựng thành công Trung tâm tài chính quốc tế (IFC) sẽ mở ra cơ hội to lớn cho doanh nghiệp và định chế tài chính trong nước, khu vực và toàn cầu.

Thứ nhất, các nhà đầu tư kỳ vọng rằng một IFC tại Việt Nam sẽ mang lại chi phí vận hành rất thấp nếu họ đặt trụ sở và hoạt động kinh doanh tại đây. Các nhà đầu tư hy vọng rằng những quy định về hoạt động trong Trung tâm tài chính quốc tế sẽ được đồng nhất và dưới sự điều hành của một cơ quan quản lý duy nhất. Điều này giúp họ dễ dàng hơn trong việc tuân thủ các quy định mới của trung tâm, đồng thời cải thiện tốc độ thực hiện các giao dịch.

Thứ hai, các sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp cũng như định chế tài chính sẽ được mở rộng đáng kể so với thị trường kinh doanh thông thường. Theo dự thảo mới nhất của Chính phủ, chúng ta có thể thấy sự xuất hiện của các sản phẩm như ngân hàng số, đồng tiền số, kinh doanh hàng hóa, cùng với một mức độ tự do nhất định trong hoạt động mua bán và kinh doanh ngoại tệ.

Thứ ba, đối với các lĩnh vực như thanh toán quốc tế và quản lý dòng tiền, các ngân hàng truyền thống hiện chưa có sản phẩm tập trung nguồn tiền và thanh khoản từ nhiều nơi về một tài khoản duy nhất. Tuy nhiên, các nhà đầu tư kỳ vọng sản phẩm này sẽ được cho phép trong IFC.

Tương tự, đối với các sản phẩm về mua bán và quản lý rủi ro hàng hóa, dù đã có trên thị trường thương mại thông thường, chúng sẽ được phát triển ở cấp độ cao hơn, tiệm cận các thông lệ quốc tế trong trung tâm tài chính này.

"Chúng tôi hy vọng rằng các quy định về ESG trong Trung tâm tài chính quốc tế sẽ tương đồng hoặc rất gần với các thông lệ quốc tế. Hiện tại, trong ngành ngân hàng truyền thống, vẫn chưa có một phân loại hay quy định pháp luật rõ ràng về ESG, nhưng chúng tôi kỳ vọng Trung tâm tài chính quốc tế sẽ áp dụng các thông lệ quốc tế chặt chẽ hơn" - bà Hạnh nói.

Vị Tổng Giám đốc Standard Chartered Việt Nam nhấn mạnh, điều này sẽ tạo ra một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và định chế tài chính đặt trụ sở tại đây. Các tổ chức có thể dễ dàng hơn trong việc huy động các nguồn vốn xanh từ tất cả các khách hàng và định chế tài chính, không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

Sau đó, nguồn vốn xanh này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án xanh tại Việt Nam. Điều này không chỉ giúp tuân thủ các tiêu chuẩn ESG mà còn biến thành một lợi thế cạnh tranh chiến lược, thu hút nguồn vốn và dự án bền vững.

Chi tiết tại:

https://plo.vn/trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tai-viet-nam-diem-den-hap-dan-cho-dong-von-xanh-post855920.html

 

(Theo Báo Thanh Niên) Tài sản số được công nhận.

Lần đầu tiên các loại tài sản số, tiền số, tiền mã hóa được đưa vào danh mục công nghệ chiến lược quốc gia cùng với nhóm công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo theo Quyết định số 1131/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành.

Trước đây, dù VN chưa công nhận nhưng thực tế số lượng người tham gia giao dịch, sở hữu tiền số, tiền mã hóa trên các sàn nước ngoài rất lớn. Anh Nguyên Dũng (Q.Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ năm 2018, anh thấy mọi người bàn tán nhiều về đồng Bitcoin nên đã mở tài khoản trên sàn Poloniex. Lúc đầu, anh bỏ ra 12 triệu đồng mua Bitcoin, sau đó bán được 36 triệu đồng. Anh tiếp tục mua thêm Bitcoin và tiền số ETH trị giá khoảng 440 USD nhưng sau đó đột nhiên bị mất tài khoản. Anh tiếc mãi mà không biết sao tìm lại được.

Thực tế, thời gian qua, các nhà đầu tư trong nước mở tài khoản giao dịch trên các sàn tiền số nước ngoài khá dễ dàng, có những sàn còn có cả tiếng Việt như Binance, OKX... để phục vụ nhà đầu tư người Việt. Số lượng người tham gia mở tài khoản, giao dịch tiền số trên các sàn tăng liên tục. Trong một nhóm nhà đầu tư chứng khoán có hơn 100 người trên Zalo, các thành viên vẫn thường xuyên chia sẻ thông tin, xu hướng giao dịch các loại tiền số.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 1131/QĐ-TTg, phê duyệt Danh mục công nghệ chiến lược và sản phẩm công nghệ chiến lược quốc gia. Quyết định bao gồm 11 nhóm công nghệ được xác định là trụ cột cho tương lai phát triển khoa học công nghệ. Trong đó, ngoài các nhóm công nghệ như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn; mạng di động thế hệ sau… thì có nhóm công nghệ Blockchain. Trong nhóm công nghệ Blockchain có 3 nhóm sản phẩm: tài sản số, tiền số, tiền mã hóa; hạ tầng mạng Blockchain; Hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Như vậy đây là lần đầu tiên, các tài sản số, tiền số và tiền mã hóa được chính thức công nhận và trở thành một trong những công nghệ chiến lược quốc gia. Trước đó vào cuối tháng 2, tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược T.Ư, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh không để chậm chân, không để mất cơ hội liên quan đến tiền kỹ thuật số. Tổng Bí thư bày tỏ nhất trí với đề xuất của Ban Chính sách, chiến lược T.Ư về việc cần sớm quản lý đồng tiền số dưới dạng một loại tài sản ảo để tránh các tác động tiêu cực đến nền kinh tế và các vấn đề xã hội, đồng thời giúp đóng góp giá trị cho kinh tế đất nước. Tổng Bí thư đề nghị Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ cần sớm thể chế hóa và cụ thể hóa để quản lý lĩnh vực này. Đồng thời, nghiên cứu áp dụng cơ chế thí điểm có kiểm soát (sandbox) để thành lập sàn giao dịch cho hoạt động tiền số…

TS Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch Liên minh Blockchain VN, cho rằng khi Blockchain với các sản phẩm như tài sản số, tiền số được đưa vào danh mục công nghệ chiến lược quốc gia cùng những công nghệ khác thì sẽ được tạo điều kiện phát triển.

Trước đó, vào tháng 10.2024, Chính phủ đã công bố Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ Blockchain đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu VN trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và có vị thế quốc tế trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và khai thác công nghệ Blockchain. Tuy nhiên đối với nhóm sản phẩm như tài sản số, tiền số, tiền mã hóa thì vẫn cần có thêm những hướng dẫn chi tiết hơn. Tương tự, luật Công nghiệp công nghệ số vừa được thông qua cũng như nhiều luật trước đây vẫn phải chờ có các văn bản hướng dẫn dưới luật để đưa vào thực hiện. 

Riêng đối với tiền số, tiền mã hóa, việc có cơ chế thử nghiệm sàn giao dịch là chủ trương đúng. Đối với những công nghệ, lĩnh vực mới khi chưa có quy định chi tiết, chưa có luật thì nên cho cơ chế sandbox. Khi chúng ta chưa biết tác động của cái mới như thế nào để đưa ra quyết định công nhận, cho phép hoạt động hay không thì phải cho thử mới đánh giá được. Hơn nữa, ông Tuấn cho rằng thực hiện cơ chế sandbox mở sàn giao dịch tiền số không chỉ khu biệt trong các trung tâm tài chính quốc gia đang được xây dựng mà chỉ đưa ra điều kiện cho các đơn vị tham gia, thời gian thực hiện cũng như quy định về giao dịch, giám sát… Các doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân đáp ứng được quy định thì đều có thể tham gia, từ đó tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng.

Ông Nguyễn Hữu Huân phân tích thêm: Khi Chính phủ đã xác định tài sản số, tiền số là công nghệ chiến lược thì việc phát triển trong thời gian tới có thể gắn với Trung tâm tài chính quốc tế đang được hình thành. Từ đó, đưa tiền số, tài sản số vào sàn giao dịch. Trên sàn, ngoài các loại tiền phổ biến trên thế giới như Bitcoin, ETH thì có thêm đồng tiền số do chính VN phát hành, có thể tạm gọi là VNDT. Đồng tiền VN (VND) quy đổi sang VNDT do cơ quan chức năng phát hành để đáp ứng nhu cầu trong thanh toán, giao dịch trên sàn. Ở đây, các doanh nghiệp có thể phát hành các coin dựa trên quy đổi từ VNDT. Giá trị quy đổi dựa theo cung cầu thị trường. Mỗi đồng coin phát hành sẽ đi kèm ứng dụng khác nhau.

Chi tiết tại:

https://thanhnien.vn/tai-san-so-duoc-cong-nhan-185250615233431537.htm

 

#Fintech #Congnghetaichinh #dnu_fta #Bantin