https://fta.dainam.edu.vn
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐẠI NAM
VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH
  • Tiếng Việt
  • Tiếng Việt
BẢN TIN VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH 22/06/2025

 

(Theo VNExpress) Đà Nẵng đề xuất thử nghiệm tài sản số, tiền số.

Chiều 21/6, làm việc với Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình về kế hoạch xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam, Chủ tịch TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết Trung tâm tài chính quốc tế sẽ tập trung vào lĩnh vực chuyên biệt như tài chính xanh, tài chính thương mại phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức và cá nhân không cư trú (như dịch vụ tài chính offshore), hoạt động thương mại xuyên biên giới gắn với khu thương mại tự do, các khu công nghệ cao, khu kinh tế mở, khu công nghiệp...

Nơi đây cũng sẽ thử nghiệm có kiểm soát một số mô hình mới như tài sản số, tiền số, thanh toán số; thu hút các quỹ đầu tư, quỹ kiều hối, công ty quản lý quỹ vừa và nhỏ; thúc đẩy phát triển các startup cung cấp giải pháp tài chính phục vụ đời sống tiêu dùng, du lịch, thương mại, logistics; hỗ trợ, tư vấn, phát triển các dịch vụ pháp lý có liên quan.

Đồng thời, Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại Đà Nẵng sẽ tập trung mạnh vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, lượng tử, dữ liệu lớn, blockchain... để tạo lợi thế cạnh tranh. Thành phố sẽ thu hút nhà đầu tư lớn và nhà phát triển, startup, chuyên gia công nghệ và có tư duy toàn cầu đến sinh sống, làm việc và tạo ra giá trị vượt trội.

Năm 2025, thành phố sẽ sử dụng một phần diện tích (300-400 m2) tại tầng 5 khối tòa nhà văn phòng 8 tầng của Khu Công viên phần mềm số 2 để bố trí trụ sở làm việc tạm thời cho Ban trù bị thành lập trung tâm tài chính quốc tế và của các cơ quan, tổ chức thuộc Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại Đà Nẵng.

Cuối năm nay, thành phố sẽ hoàn thành xây dựng khối tòa nhà 22 tầng với diện tích sàn 27.000 m2, đáp ứng ngay nhu cầu hoạt động của Trung tâm tài chính quốc tế gắn với thu hút quỹ đầu tư, kiều hối, công ty quản lý quỹ vừa và nhỏ, thử nghiệm có kiểm soát một số mô hình mới như tài sản số, tiền số, thanh toán, chuyển tiền kỹ thuật số.

Giai đoạn 2025-2027, thành phố thu hút đầu tư hạ tầng, phát triển hệ sinh thái Trung tâm tài chính tại các khu đất sạch sát biển với diện tích gần 18 ha để xây dựng ngay Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại Đà Nẵng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Trước mắt thành phố cử 10 công chức, viên chức, đảm bảo tiêu chuẩn về ngoại ngữ, năng lực chuyên môn (trong đó có hai phó giáo sư và một tiến sĩ chuyên ngành tài chính, ngân hàng, một tiến sĩ là thẩm phán, từng học thạc sĩ luật thương mại quốc tế tại Anh) tham gia khóa đào tạo ngắn hạn tại Đại học Việt Đức và trong quý III sẽ cử đi thực tập tại các trung tâm tài chính lớn quốc tế.

Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đề nghị TP Đà Nẵng tiếp tục chuẩn bị chu đáo các điều kiện, sẵn sàng vận hành Trung tâm tài chính quốc tế. Sau khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ có kế hoạch triển khai cụ thể. Phần việc nào của Đà Nẵng và TP HCM thì hai địa phương chủ động triển khai, nhất là bố trí hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, kêu gọi đầu tư, chuẩn bị nguồn nhân lực.

Đồng thời, Đà Nẵng cần phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các Nghị định về Trung tâm tài chính quốc tế, đảm bảo thuận tiện nhất khi vận hành.

Chi tiết tại:

https://vnexpress.net/da-nang-de-xuat-thu-nghiem-tai-san-so-tien-so-4904592.html

 

(Theo CAO) Đã hội đủ các điều kiện để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Ngày 20/6, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình khẳng định, đây là bước đi rất sáng suốt trong giai đoạn hiện nay, dù còn rất nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã hội đủ các điều kiện để xây dựng Trung tâm tài chính, đáp ứng được những đòi hỏi tăng tốc, vươn mình trong giai đoạn tới về mặt vốn, đa dạng hóa.

Về mặt pháp luật, Quốc hội đang xem xét ban hành nghị quyết tạo khuôn khổ pháp lý chung, Chính phủ đang triển khai xây dựng một loạt nghị định, các cơ quan tư pháp cũng được Bộ Chính trị giao xây dựng các đề án để hình thành khuôn khổ pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp.

Về nhân lực, Phó Thủ tướng cho biết, 2 địa phương được giao nhiệm vụ này là Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cũng đã có Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về triển khai Trung tâm tài chính quốc tế; đã chủ động lựa chọn đội ngũ cán bộ đưa đi đào tạo ở nước ngoài; đã tìm kiếm những người Việt Nam đang làm việc ở các Trung tâm tài chính toàn cầu để mời về làm việc.

Về cơ sở vật chất, do đây là vấn đề mới, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ và 2 thành phố điều chỉnh quy hoạch trong quy hoạch tổng thể, bổ sung để sẵn sàng nguồn đất cho hai thành phố chuẩn bị thành lập Trung tâm tài chính (Đà Nẵng khoảng 350 hecta, Thành phố Hồ Chí Minh khoảng hơn 600 hecta) và rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã có ý định đến 2 thành phố này để xây dựng.

Về công nghệ thông tin, Phó Thủ tướng Nguyễn Hoà Bình cho biết, điều kiện để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế có 2 vấn đề rất quan trọng là sự an toàn và khả năng kết nối. Do đó, cần đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin phải đủ mạnh, đủ an toàn, có khả năng kết nối toàn cầu để phục vụ Trung tâm tài chính. Việc kiểm duyệt hạ tầng công nghệ thông tin trong trung tâm tài chính rất thông thoáng, rất thuận tiện để hỗ trợ cho các nhà đầu tư.

Ngoài hạ tầng trực tiếp cho Trung tâm tài chính, điều quan trọng nhất chúng ta đang có sẵn là nền kinh tế năng động, phát triển, có nhu cầu vốn rất lớn, có khả năng hấp thụ lượng vốn mà quốc tế mang đến.

Chi tiết tại:

https://congan.com.vn/tin-chinh/da-hoi-du-cac-dieu-kien-de-xay-dung-trung-tam-tai-chinh-quoc-te_179493.html

 

(Theo Genk) VietGPT ra mắt: Trợ lý ảo tiếng Việt do người Việt phát triển.

Tại lễ ra mắt Liên minh AI Âu Lạc ngày 20/6/2025, Tập đoàn FPT đã công bố kế hoạch phát triển VietGPT - trợ lý ảo ngôn ngữ tiếng Việt - với định hướng trở thành sản phẩm AI chủ lực dành riêng cho người Việt. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm nằm trong lộ trình xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn Âu Lạc LLM do chính các tổ chức, chuyên gia và doanh nghiệp trong nước phát triển, sở hữu và vận hành.

Theo đại diện FPT, VietGPT sẽ được phát triển dựa trên dữ liệu tiếng Việt phong phú và phù hợp với bối cảnh văn hóa, xã hội trong nước. Mục tiêu là tạo ra một công cụ tương tác linh hoạt, hỗ trợ người dùng học tập, tra cứu thông tin, tối ưu công việc, đồng thời duy trì chi phí hợp lý. Trong quá trình sử dụng, người dùng cũng góp phần cải thiện chất lượng mô hình qua cơ chế học từ phản hồi, tạo vòng lặp nâng cao năng lực liên tục cho hệ thống.

Trên phương diện chiến lược, VietGPT không chỉ là một sản phẩm công nghệ mà còn là biểu tượng cho nỗ lực làm chủ công nghệ lõi của Việt Nam trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Ông Lê Hồng Việt , Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud, nhấn mạnh rằng muốn AI trở thành sức mạnh cốt lõi của quốc gia, Việt Nam cần song song theo hai hướng: vừa tham gia cộng đồng mã nguồn mở toàn cầu, vừa phát triển cộng đồng mã nguồn mở nội địa.

Với sự hậu thuẫn từ Liên minh AI Âu Lạc - nơi quy tụ hơn 20 tổ chức đầu ngành - FPT cam kết mở nền tảng VietGPT cho các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học cùng tham gia đóng góp và khai thác. Việc này dự kiến được triển khai trong năm nay, với lộ trình chi tiết sẽ được công bố trong các giai đoạn tiếp theo.

Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến làn sóng phát triển AI quốc gia mạnh mẽ từ hơn 70 quốc gia, sự ra đời của VietGPT được kỳ vọng sẽ mở ra một mô hình phát triển ứng dụng AI phù hợp với đặc thù người Việt, từ đó lan tỏa vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, tài chính, dịch vụ công, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế số.

Chi tiết tại:

https://genk.vn/vietgpt-ra-mat-tro-ly-ao-tieng-viet-do-nguoi-viet-phat-trien-20250621115248484.chn

 

#Fintech #Congnghetaichinh #dnu_fta #Bantin