https://fta.dainam.edu.vn
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐẠI NAM
VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH
  • Tiếng Việt
  • Tiếng Việt
BẢN TIN VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH 23/5/2025

(Theo TBTCO) Thiếu chấm điểm tín dụng "soi đường", hoạt động P2P Lending loay hoay tìm lối đi.

 

Trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCO, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) cho rằng, để cho vay ngang hàng phát triển bền vững, tránh trượt khỏi quỹ đạo, cần cơ chế giám sát hiệu quả cùng phát triển hệ thống chấm điểm tín dụng rõ ràng và minh bạch.

 

P2P Lending (cho vay ngang hàng) phát triển từ lâu và có nhiều đơn vị triển khai, song phần lớn hoạt động cho vay lại biến tướng, núp bóng tín dụng đen. Hầu hết các nền tảng hiện chỉ đóng vai trò như “cò tín dụng” trá hình, thu thập thông tin khách hàng, rồi bán lại cho các công ty tài chính hoặc ngân hàng. Mô hình lý tưởng ban đầu của P2P là loại bỏ trung gian tài chính giúp giảm lãi suất cho vay, nhưng thực tế, lãi suất tại các nền tảng thậm chí còn cao hơn ngân hàng.

 

Việc ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP ngày 30/4/2025 quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng (Nghị định số 94) giúp tạo môi trường pháp lý linh hoạt cho các doanh nghiệp fintech thử nghiệm mô hình mới trong khuôn khổ, sau thời gian dài hoạt động trong "vùng xám" pháp lý, đảm bảo kiểm soát được rủi ro. 

 

P2P Lending không nhất thiết phải bị ràng buộc bởi những quy định khắt khe như ngân hàng truyền thống, nhưng vẫn cần đảm bảo các nguyên tắc cốt lõi về quản trị rủi ro. Bởi lẽ, doanh nghiệp vận hành nền tảng P2P phải đủ năng lực tài chính và kỹ thuật để kiểm soát rủi ro phát sinh trong quá trình cho vay, nếu không, rủi ro sẽ chuyển hết sang người cho vay.

 

Để mô hình P2P thực sự phát triển, cần thiết phải xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm quốc gia và liên kết với dữ liệu định danh cá nhân (VNeID), từ đó, có khả năng tra cứu công khai, người muốn bùng nợ phải e dè.

 

Chi tiết tại :

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thieu-cham-diem-tin-dung-soi-duong-hoat-dong-p2p-lending-loay-hoay-tim-loi-di-176841-176841.html

 

(Theo Hà Nội Online) Thị trường cần khoảng 400 công ty cho thuê tài chính.

 

Nếu việt Nam có 37 ngân hàng thương mại thì số công ty cho thuê tài chính cần có là khoảng 370-400 công ty.

 

Dư nợ cho thuê tài chính đến cuối quý I/2025 đạt gần 40,7 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 8,4% so với quý cùng kỳ năm 2024. Trong đó, số lượng khách hàng mới tăng trưởng gần 6%; số lượng hợp đồng cho thuê mới tăng trưởng 13% so với quý cùng kỳ. Đây là thông tin được đại diện Hiệp hội Cho thuê tài chính chia sẻ tại cuộc trao đổi với báo chí về một số hoạt động ngành cho thuê tài chính sáng 22/5.

 

Tại một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Đức... số lượng công ty cho thuê tài chính gấp 10 lần số lượng ngân hàng thương mại, do đó, nếu việt Nam có 37 Ngân hàng thương mại thì số công ty cho thuê tài chính cần có là khoảng 370 - 400 công ty. Từ đó, nhiều cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ dân được mở rộng, vì khi thuê tài chính là các bất động sản thì họ không cần thế chấp tài sản.

 

Bên cạnh đó, để triển khai hiệu quả và thiết thực Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân với ngành cho thuê tài chính, phải trả lời câu hỏi lớn nhất: làm sao nâng tầm quy mô hoạt động về dư nợ ít nhất 300-500 ngàn tỷ trong vòng 5 năm tới? Điều này có nghĩa là, mỗi năm tăng thêm dư nợ bằng 60-70%% năm trước. Do đó, cần xây dựng Luật cho thuê tài chính trong vòng 3-5 năm tới.

 

Chi tiết tại:

https://hanoionline.vn/video/thi-truong-can-khoang-400-cong-ty-cho-thue-tai-chinh-333604.htm

 

(Theo KTSGO) Chuyển dịch chiến lược của ngân hàng Trung Quốc và bài học cho Việt Nam.

Hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã trải qua một cuộc chuyển mình chiến lược trong suốt thập niên qua - từ mô hình tăng trưởng tín dụng quy mô lớn, phụ thuộc vào cho vay bất động sản và doanh nghiệp nhà nước, sang mô hình tài chính toàn diện, đa dạng hóa nguồn thu và chuyển đổi số sâu rộng. Sự dịch chuyển này phản ánh nỗ lực thích ứng với yêu cầu kiểm soát rủi ro, cải thiện hiệu quả hoạt động và duy trì tăng trưởng bền vững.

 

Trong nhiều năm, hệ thống ngân hàng Trung Quốc được biết đến với vai trò là trụ cột hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua tín dụng quy mô lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như bất động sản và hạ tầng. Tuy nhiên, mô hình này dần bộc lộ nhiều rủi ro: nợ xấu tăng cao, hiệu suất sử dụng vốn thấp và sự phụ thuộc lớn vào biên lãi suất khiến hiệu quả tài chính dễ tổn thương trước biến động thị trường.

 

Trong bối cảnh lãi suất thị trường giảm và áp lực cạnh tranh từ công nghệ tài chính (FinTech) tăng lên, NIM của các ngân hàng Trung Quốc liên tục suy giảm. Từ mức trung bình khoảng 2,5% năm 2014, NIM đã giảm xuống dưới 1,4% vào năm 2024. Thay vì dựa quá nhiều vào chênh lệch lãi suất, các ngân hàng đã đẩy mạnh phát triển các dịch vụ tài chính có giá trị gia tăng cao như: quản lý tài sản, ngân hàng đầu tư, bảo hiểm, và thanh toán số.

 

Với bối cảnh tín dụng ngân hàng vẫn đang là động lực hỗ trợ tăng trưởng chính cho nền kinh tế, đặc biệt tín dụng đổ vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn cao thì bài học từ Trung Quốc trong thập niên qua là lời cảnh tỉnh cần thiết. Thay vì chỉ chạy theo tăng trưởng tín dụng hai con số, ngân hàng Việt Nam cần đặt trọng tâm vào chất lượng tài sản, tín dụng có mục tiêu và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Việc quá lệ thuộc vào tăng trưởng tín dụng sẽ sớm dẫn đến áp lực trích lập dự phòng và làm suy yếu năng lực tài chính.

 

Một bài học nữa cho Việt Nam để có thể nâng cấp hiệu quả vận hành của hệ thống ngân hàng đó là việc tận dụng triệt để cơ hội từ chuyển đổi số. Chuyển đổi số không nên chỉ dừng lại ở việc mở ứng dụng di động hay số hóa quy trình một phần. Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy sự chuyển đổi hiệu quả phải bắt đầu từ hệ thống lõi, dữ liệu và năng lực vận hành.

 

Chi tiết tại:

https://thesaigontimes.vn/chuyen-dich-chien-luoc-cua-ngan-hang-trung-quoc-va-bai-hoc-cho-viet-nam/

 

 #Fintech #CongngheTaichinh  #Nganhang 

Phương Anh