(Theo báo QDND) Tiền ảo, tội thật và lỗ hổng pháp lý của giới trẻ.
Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng xã hội, các thuật ngữ như Bitcoin, Ethereum, Blockchain không còn xa lạ. Nhiều bạn trẻ, với sự nhạy bén về công nghệ và khao khát làm giàu nhanh chóng, đã bị cuốn vào thị trường tiền ảo. Các diễn đàn, nhóm chat, video chia sẻ về “thành công triệu đô” từ việc đầu tư tiền ảo xuất hiện nhiều trên mạng xã hội, tạo ra một làn sóng mạnh mẽ.
Năm 2024, Công an TP Hà Nội đã triệt phá một vụ án lừa đảo liên quan đến Phó Đức Nam (sinh năm 1994, còn gọi là Mr. Pips) và Lê Khắc Ngọ (sinh năm 1990). Hai người này cầm đầu đường dây lừa đảo xuyên quốc gia, với nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành vi lừa đảo liên quan đến đầu tư tiền ảo. Điều đáng nói, vụ án này có sự tham gia của hơn 1.000 học sinh, sinh viên, nhiều người trong số đó đến từ khu vực quận Cầu Giấy (Hà Nội). Vụ án này phần nào cho thấy giới trẻ dễ dàng bị lôi kéo vào các hoạt động phi pháp dưới vỏ bọc “kiếm tiền online”, “đầu tư siêu lợi nhuận”. Nhiều học sinh, sinh viên do thiếu hiểu biết về pháp luật đã vô tình trở thành một mắt xích trong các đường dây tội phạm.
Chúng tôi cho rằng, trong vụ án Mr. Pips, hành vi của học sinh, sinh viên có thể bị xem là giúp sức và bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm trong tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 174 Bộ luật Hình sự) nếu có các biểu hiện như: Gửi đường link tham gia nền tảng lừa đảo; tích cực mời gọi, lôi kéo người khác đầu tư; cung cấp thông tin sai lệch, hoặc cố ý che giấu sự thật về bản chất hoạt động của hệ thống; hướng dẫn người khác nạp tiền, rút tiền, thao tác đầu tư để hưởng phần trăm hoa hồng.
Điểm cốt lõi là việc xác định vai trò và mức độ tham gia của từng cá nhân. Pháp luật hình sự cá nhân hóa trách nhiệm, phân biệt rõ giữa người cầm đầu, tổ chức, người thực hành, người giúp sức và những người chỉ tham gia một cách bị động hoặc thiếu hiểu biết. Mức độ nhận thức về tính chất phi pháp của hành vi cũng là yếu tố then chốt được cơ quan chức năng xem xét.
Theo đó, những cá nhân được xác định có vai trò chủ chốt, tích cực tham gia hoặc cố ý giúp sức sẽ đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và các mức hình phạt nghiêm khắc, có thể là án tù dài hạn, tùy thuộc vào quy mô thiệt hại gây ra. Ngược lại, đa số học sinh, sinh viên có thể chỉ tham gia với vai trò nhỏ, bị dụ dỗ hoặc hiểu biết hạn chế về hoạt động lừa đảo. Những trường hợp này có khả năng được xem xét xử lý nhẹ hơn, từ hình phạt dưới khung, án treo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền, xử phạt hành chính, hoặc thậm chí không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi không cấu thành tội phạm hoặc có đủ căn cứ miễn trách nhiệm. Những người cũng là nạn nhân sẽ được phân loại phù hợp.
Bên cạnh tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản như chúng tôi đã phân tích ở trên, các bạn trẻ có thể vô tình trở thành tội phạm rửa tiền với mức án rất nghiêm khắc. Do tính chất ẩn danh và khả năng chuyển tiền nhanh chóng qua biên giới, tiền ảo thường bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để rửa tiền từ các hoạt động phi pháp như ma túy, cờ bạc, lừa đảo. Sinh viên còn phải chịu kỷ luật từ nhà trường và đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến danh tiếng và cơ hội tương lai.
Tiền ảo là một khái niệm phức tạp và chứa đựng nhiều rủi ro pháp lý. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần khẳng định và cảnh báo về điều này. Các hoạt động liên quan đến tiền ảo, nếu không cẩn thận, rất dễ vi phạm pháp luật hiện hành. Không ai có thể phòng, chống loại tội phạm này hiệu quả nếu người dân vẫn vô tư tiếp tay hoặc nhẹ dạ cả tin. Hy vọng rằng những cảnh báo trên sẽ giúp các bạn trẻ nhận thức rõ hơn về mối nguy hiểm tiềm tàng, từ đó đưa ra những lựa chọn thông minh để bảo vệ bản thân không vướng vào vòng lao lý.
Chi tiết tại:
https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tien-ao-toi-that-va-lo-hong-phap-ly-cua-gioi-tre-834083
(Theo báo ANTD) Thị trường tài chính thay thế tăng tốc mạnh mẽ nhờ đổi mới công nghệ.
Báo cáo “Thị trường tài chính thay thế tại Việt Nam 2024” vừa được FiinGroup công bố đã cho thấy sự mở rộng mạnh mẽ của lĩnh vực tài chính thay thế tại Việt Nam, được thúc đẩy bởi quá trình chuyển đổi số và hành vi tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng.
Thị trường tài chính thay thế (Alternative Finance Market) bao gồm các mô hình tài chính hoạt động ngoài hệ thống định chế tài chính truyền thống, ứng dụng công nghệ và đổi mới để cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt.
Các dịch vụ trong lĩnh vực này gồm cầm đồ (truyền thống và hiện đại), cho vay ngang hàng (P2P lending), huy động vốn cộng đồng (crowdfunding), tiền mã hóa, tài chính phi tập trung (DeFi) và các hình thức tài chính sáng tạo khác.
Tín dụng thay thế được cung cấp bởi các tổ chức cho vay thay thế, bao gồm các công ty, hộ kinh doanh hoạt động dưới giấy phép kinh doanh dịch vụ cầm đồ (chiếm thị phần lớn nhất với 57,7% doanh thu hoạt động cho vay thay thế - số liệu năm 2023); và các công ty hoạt động dưới giấy phép kinh doanh thương mại khác, chủ yếu là các Fintech hoạt động dưới các mô hình bao gồm: Cho vay ngang hàng (P2P lending); Cho vay nhanh qua các nền tảng trực tuyến, ứng dụng điện thoại (Payday lender , Digital lending apps); Các công ty mua trước trả sau (BNPL).
Ngành cầm đồ tại Việt Nam tiếp tục phát triển với gần 25.000 cửa hàng truyền thống trên toàn quốc. Tuy nhiên, một làn sóng chuyển đổi hiện đại đang diễn ra, với 1.267 cửa hàng cầm đồ ứng dụng công nghệ đã xuất hiện tính đến cuối năm 2024.
Tiếp đến, các nền tảng cho vay ngắn hạn – Payday lending tăng trưởng bùng nổ, dẫn dắt bởi các công ty fintech nước ngoài. Hơn 50 ứng dụng cho vay ngắn hạn đang hoạt động, tập trung vào các khoản vay nhỏ, ngắn hạn, phục vụ nhóm khách hàng chưa tiếp cận được tín dụng chính thống. Nhiều nền tảng được hậu thuẫn bởi các công ty nước ngoài (chủ yếu đến từ Trung Quốc và Đài Loan), cung cấp trải nghiệm vay – trả nợ qua di động mượt mà.
Mô hình Mua Trước – Trả Sau (BNPL) mở rộng nhanh chóng trong thương mại điện tử và bán lẻ. Từ chỉ 4 nền tảng vào năm 2020, mô hình BNPL đã tăng lên 15 nền tảng hoạt động vào năm 2024. Tích hợp sâu với hệ sinh thái thương mại điện tử và fintech, BNPL ngày càng được người tiêu dùng trẻ, am hiểu công nghệ ưa chuộng nhờ tính linh hoạt và không cần thẻ tín dụng.
Cuối cùng, chiếm thị phần nhỏ nhất là cho vay ngang hàng (P2P) cũng đang dần định hình vị thế, đón sóng hỗ trợ chính sách. Một số nền tảng dẫn đầu như Tima và DCV Finance... đang mở rộng từ cho vay tiêu dùng sang tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Theo các chuyên gia FiinGroup, hoạt động cho vay thay thế tại Việt Nam đang còn nhiều dư địa phát triển khi nhu cầu tín dụng cao, trong bối cảnh tiếp cận tín dụng ngân hàng còn hạn chế. Cùng với đó là sự phát triển của công nghệ hỗ trợ mở rộng quy mô, khả năng cung cấp sản phẩm vay linh hoạt (giải ngân chỉ vài giờ, không cần tài sản bảo đảm), hỗ trợ tài chính toàn diện (cả người chưa có lịch sử tín dụng…).
Chi tiết tại:
(Theo Znews) Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Trung Quốc tham gia Trung tâm tài chính.
Chiều nay (24/6), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Cát Hải Kiều - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Trung Quốc (BOC). Sự kiện nằm trong chương trình công tác tham dự Hội nghị WEF Thiên Tân và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng.
Tại buổi gặp, Thủ tướng đánh giá cao vai trò của BOC trong hơn 30 năm qua tại Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị ngân hàng mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ tái cấu trúc các định chế tài chính yếu kém.
Thủ tướng cũng cho biết chính sách về trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam sẽ rất thông thoáng. Ông đề nghị BOC chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kết nối các đối tác, nhà đầu tư, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính để cùng tham gia xây dựng, vận hành và phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Về phía BOC, ngân hàng mong muốn đẩy mạnh hiện diện và đầu tư nguồn lực tại thị trường Việt Nam, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện cho các dự án hạ tầng quy mô lớn.
Ngân hàng Trung Quốc cũng cam kết thúc đẩy hợp tác tài chính và tiền tệ giữa hai nước, thanh toán xuyên biên giới, đóng góp vào quá trình xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Chi tiết tại:
#Fintech #Congnghetaichinh #dnu_fta #Bantin