(Theo báo Thanh Niên) Chính thức lập trung tâm tài chính quốc tế, đặt tại TP.HCM và Đà Nẵng.
Trước đó, báo cáo tiếp thu giải trình và thẩm tra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết đã khảo sát, tổ chức nhiều hội thảo tham vấn ý kiến các định chế tài chính lớn, các nhà đầu tư, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Trong đó, chính sách thuế, đất đai, hạ tầng, nhân lực, một số quy định về bảo hiểm... đã vượt trội so với một số trung tâm tài chính quốc tế khác. Một số chính sách tiệm cận với thông lệ quốc tế như mô hình quản lý, ngôn ngữ, xuất nhập cảnh, kế toán, lao động việc làm, fintech, sandbox, phương thức đối tác công tư…
Về định vị phát triển trung tâm tài chính tại 2 thành phố, Chính phủ lý giải TP.HCM là trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất cả nước, đã hình thành hệ sinh thái tài chính phong phú, có hệ thống ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm phát triển, thu hút nhiều tổ chức, định chế tài chính quốc tế.
Theo đó, trung tâm tài chính tại TP.HCM dự kiến sẽ phát triển thị trường vốn; ngân hàng, thị trường tiền tệ; phát triển cơ chế thử nghiệm (sandbox) về fintech, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính; thành lập các sàn giao dịch chuyên biệt, nền tảng giao dịch mới; phát triển thị trường hàng hóa…
Đà Nẵng có lợi thế về vị trí địa lý trung tâm miền Trung, là cửa ngõ ra biển của các hành lang kinh tế Đông - Tây, đồng thời là nơi có điều kiện thuận lợi để thử nghiệm các mô hình mới như tài chính bền vững, tài chính xanh và ứng dụng công nghệ tài chính, dịch vụ số...
TP.HCM và Đà Nẵng cũng đã tập trung chuẩn bị công việc để xây dựng, phát triển và vận hành trung tâm tài chính như bố trí nguồn nhân lực, xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao, đội ngũ quản lý; chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng để xây dựng và phát triển; xúc tiến đầu tư, tiếp xúc các nhà đầu tư chiến lược, tiềm năng.
Ngoài ra, theo Chính phủ, trung tâm tài chính là vấn đề mới, khó và chưa có tiền tệ tại Việt Nam. Thực tế triển khai sẽ có những vấn đề phát sinh khác với luật, nghị quyết, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để bảo đảm sự linh hoạt, kịp thời, cần thiết có quy định cho phép Chính phủ được ban hành nghị định để xử lý các vấn đề nêu trên.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ: Tài chính, Công thương, Công an và các cơ quan liên quan vẫn thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền, nhưng thông qua cơ chế phối hợp với Cơ quan giám sát trung tâm tài chính, hạn chế tối đa việc can thiệp trực tiếp, bảo đảm nguyên tắc “một đầu mối” tiếp nhận, xử lý.
Chi tiết tại:
(Theo PLVN) Phát huy vai trò của các ngân hàng thương mại trong thực hiện Nghị quyết 68.
Nghị quyết 68 đã tạo ra cú hích lớn, nhưng để đi vào cuộc sống, cần sự phối hợp đồng bộ giữa Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và chính bản thân doanh nghiệp (DN). Khi hệ thống ngân hàng thay đổi phương thức tiếp cận vốn, khi DN chủ động minh bạch và quản trị hiệu quả, mục tiêu đưa kinh tế tư nhân thành động lực phát triển bền vững sẽ khả thi hơn bao giờ hết.
Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Phi Lân, Vụ trưởng Vụ Dự báo, Thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Đến ngày 18/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,73 triệu tỷ đồng, tăng 7,14% so với cuối năm 2024, tăng 18,71% so với cùng kỳ năm 2024.
Điều đáng chú ý là 100 tổ chức tín dụng đã phát sinh dư nợ với khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có khoảng 209.000 DN vừa và nhỏ. Đây là minh chứng cho sự lan tỏa của dòng vốn tín dụng đến các phân khúc DN - từ sản xuất, dịch vụ cho đến bất động sản.
Điểm nổi bật của Nghị quyết 68 là khuyến khích DN xây dựng hệ sinh thái tài chính minh bạch, tăng cường quản trị tài chính. Đồng thời, tạo điều kiện để DN đầu tư bài bản, giảm phụ thuộc vốn ngân hàng thông qua đa dạng hóa nguồn lực như trái phiếu, cổ phiếu, liên doanh, liên kết, huy động từ nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy DN vẫn đối mặt với rào cản trong tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn.
Nhấn mạnh yếu tố công nghệ, bà Nguyễn Bảo Thanh Vân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, VietinBank đã đưa ra một chương trình hành động cụ thể để giúp các đối tượng khách hàng nắm rõ chính sách của Nhà nước, hiểu đặc thù của từng nhóm khách hàng, đặc biệt là các hộ kinh doanh cá thể đang trong quá trình chuyển đổi lên DN.
Ngân hàng xây dựng các gói tín dụng chuyên biệt cho DN tư nhân và các đối tượng khách hàng SME, với lãi suất ưu đãi từ 5%/năm - thấp hơn cả mặt bằng lãi suất tiền gửi 12 tháng (hiện ở mức 5,2 - 5,3%). Các gói vay được thiết kế riêng cho từng ngành nghề, mục tiêu kinh doanh để bảo đảm phù hợp và hiệu quả cao nhất.
Kết thúc Tọa đàm, ông Nguyễn Phi Lân khẳng định, Nghị quyết 68 có các giải pháp hết sức chi tiết, cụ thể, bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn, có sự phân công rất rõ ràng, cụ thể cho các bộ, ngành. Nghị quyết 198 của Quốc hội đã cụ thể hóa thêm một bước nữa các giải pháp từ Nghị quyết 68. Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phân công, phân nhiệm rất rõ ràng cho các bộ, ngành và các đơn vị liên quan, ngay lập tức ban hành Nghị quyết 138 và 139. Mục tiêu cuối cùng là tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân có thể tiếp cận được nguồn vốn và phát triển.
Trong Nghị quyết 138 và 139, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành, bên cạnh tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn thì phải thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các vấn đề liên quan đến cho vay, để đảm bảo dòng vốn được sử dụng đúng mục đích, đúng mục tiêu, tránh trường hợp dòng tiền chảy vào các lĩnh vực rủi ro, gây bất ổn cho nền kinh tế. Đây là một trong những giải pháp vừa đảm bảo cho các DN tiếp cận được nguồn vốn, vừa đảm bảo an toàn cho chính các DN.
Chi tiết tại:
(Theo VNExpress) Quốc hội yêu cầu có khung pháp lý thí điểm thị trường tài sản mã hóa.
Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) dẫn số liệu từ công ty phân tích Chainalysis cho thấy dòng vốn từ thị trường blockchain vào Việt Nam giai đoạn 2023-2024 đạt trên 105 tỷ USD với lợi nhuận tạo ra gần 1,2 tỷ USD (2023). Còn theo số liệu từ cổng thanh toán Triple-A, Việt Nam có hơn 17 triệu người sở hữu tài sản mã hóa, xếp thứ 7 trên toàn cầu. Bình quân tỷ lệ sở hữu crypto tại Việt Nam đạt khoảng 17%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 6,5% của toàn thế giới.
Cũng theo Nghị quyết, Chính phủ cần nghiên cứu đề xuất sửa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là một trong những nội dung để thể chế hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân.
Theo Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, từ đầu năm 2026, cơ chế thuế khoán với hộ kinh doanh sẽ chấm dứt, thay vào đó họ tự kê khai, nộp thuế theo doanh thu thực tế. Vì thế, Quốc hội yêu cầu có các giải pháp truyền thông, hỗ trợ hộ, cá nhân kinh doanh khi chuyển từ áp dụng thuế khoán sang nộp thuế theo doanh thu, đồng thời khuyến khích họ chuyển thành doanh nghiệp. Việc sử dụng hóa đơn điện tử ở các ngành, lĩnh vực cần đẩy mạnh áp dụng trong năm nay.
Liên quan tới vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Chính phủ, Bộ Tài chính cần xây dựng chính sách thu hút có chọn lọc, ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và cam kết chuyển giao công nghệ. Với các dự án FDI gây ô nhiễm môi trường, kinh doanh thua lỗ kéo dài, không đúng cam kết đầu tư... cần được xử lý dứt điểm.
Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi để thu hút, phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế mới (khu công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, khu kinh tế chuyên biệt, khu thương mại tự do...) cần hoàn thiện trong năm nay.
Chi tiết tại:
#Fintech #Congnghetaichinh #dnu_fta #Bantin