https://fta.dainam.edu.vn
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐẠI NAM
VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH
  • Tiếng Việt
  • Tiếng Việt
BẢN TIN VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH 29/06/2025

(Theo KTSGO) Sắp có ‘khóa an toàn’ cho thị trường tài sản mã hóa.

Việc Bộ Tài chính đưa ra dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 156/2020/NĐ-CP bổ sung các hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về tài sản mã hóa và thị trường tài sản mã hóa cho thấy nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng không kém phần rủi ro này tại Việt Nam.

Tài sản mã hóa - từ cryptocurrency đến NFT - đang trở thành xu hướng không thể bỏ qua trong làn sóng công nghệ tài chính. Tuy vậy, tại Việt Nam cho đến nay vẫn thiếu vắng khung pháp lý rõ ràng điều chỉnh vấn đề này, theo đó một “khoảng trống pháp lý” đầy rủi ro cho các bên tham gia kinh doanh, giao dịch tài sản mã hóa là: lừa đảo, rửa tiền, thao túng thị trường, mất trắng tài sản. Những thách thức này khiến cả cơ quan quản lý lẫn doanh nhân, nhà đầu tư lúng túng khi bước vào sân chơi tiềm năng này.

Sau thời gian dài “tự do”, đến nay đã có những dấu hiệu cho thấy bắt đầu hình thành sự quản lý và điều tiết chính thức của Nhà nước đối với tài sản mã hóa. Đầu tiên, ngày 11-3-2025, Bộ Tài chính trình Tờ trình 64/TTr-BTC, đề xuất thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa(1), Chính phủ đang giao Bộ Tài chính xây dựng Nghị quyết thí điểm thị trường tài sản mã hóa nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo và kiểm soát rủi ro tài chính. Tiếp theo đó, ngày 12-6-2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Quyết định 1131/QĐ-TTg: Ban hành Danh mục công nghệ chiến lược và sản phẩm công nghệ chiến lược, bao gồm 11 nhóm công nghệ được xác định là trụ cột. Đáng chú ý, trong đó có sự hiện diện của công nghệ blockchain, gồm ba nhóm sản phẩm: tài sản số, tiền số, tiền mã hóa; hạ tầng mạng blockchain và hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Cụ thể hơn, Dự thảo sửa đổi Nghị định 156/2020/NĐ-CP(2) (Dự thảo) đã bổ sung các quy định xử lý vi phạm hành chính, trong đó có những điều khoản dành riêng và chỉ rõ để xử lý hành vi vi phạm hành chính đối với tài sản mã hóa. Với việc bổ sung một mục và năm điều quy định xử phạt vi phạm hành chính, cho thấy Dự thảo bước đầu đặt ra “luật chơi tài sản mã hóa” một cách giới hạn và dè chừng.

Các tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa (VASP) đóng vai trò như “cầu nối” không thể thiếu giữa nhà đầu tư và thị trường tài sản số. Dự thảo nêu rõ các nghĩa vụ mà VASP phải tuân thủ, với trọng tâm là quản lý rủi ro và bảo vệ nhà đầu tư, với mức phạt khi có vi phạm từ 300 triệu đến 2 tỉ đồng và bị đình chỉ hoạt động tối đa ba tháng.

Để xây dựng một thị trường tài sản mã hóa bền vững, Dự thảo đặt ra các quy định chặt chẽ về tổ chức thị trường, công bố thông tin và hành vi giao dịch. Những quy định này như “bức tường thành”, không chỉ bảo vệ nhà đầu tư mà còn tạo điều kiện cho các sàn giao dịch hợp pháp phát triển.

Thị trường tài sản mã hóa toàn cầu đang bùng nổ với giá trị hàng ngàn tỉ đô la Mỹ, mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trở thành trung tâm tài chính số nhờ nguồn nhân lực công nghệ dồi dào và tinh thần khởi nghiệp sôi động. Dự thảo không chỉ bước đầu thiết lập khung pháp lý điều chỉnh vấn đề, mà còn là “bản đồ” định hướng cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên kinh tế số khi chọn tài sản mã hóa là đối tượng để kinh doanh.

Việc tuân thủ các quy định về xác minh danh tính (KYC/AML), an ninh hệ thống và công bố thông tin minh bạch không chỉ là nghĩa vụ mà còn là lợi thế cạnh tranh, giúp tiếp cận vốn chính thống và xây dựng lòng tin với nhà đầu tư. Quan trọng hơn, cam kết tránh xa thao túng thị trường hay giao dịch nội gián sẽ bảo vệ uy tín và đảm bảo sự phát triển bền vững.

Hãy bắt đầu bằng cách củng cố hệ thống công nghệ để đáp ứng yêu cầu an ninh và minh bạch. Đồng thời, xây dựng đội ngũ am hiểu pháp lý để theo sát các quy định mới. Trên hết, đặt văn hóa trung thực làm nền tảng, từ quảng cáo đến giao dịch, để tạo dựng niềm tin bền vững. Hành động hôm nay sẽ định vị doanh nghiệp ở vị trí dẫn đầu trong thị trường tài sản mã hóa đầy tiềm năng của Việt Nam trong tương lai gần sắp tới.

Chi tiết tại:

https://thesaigontimes.vn/sap-co-khoa-an-toan-cho-thi-truong-tai-san-ma-hoa/

 

(Theo KTDT) Tín dụng tăng cao: Chú trọng kiểm soát rủi ro dòng vốn.

Tính đến ngày 18/6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,73 triệu tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 7,14% so với cuối năm 2024, cao gần gấp đôi tốc độ giải ngân cùng kỳ năm ngoái. Tín dụng đang tăng cao là bệ đỡ cho tăng trưởng, song cũng đặt ra nhiều lo lắng về tính bền vững trong cấu trúc vốn của nền kinh tế.

So với những năm trước, tín dụng hiện nay tăng khá nhanh. Nhiều lãnh đạo ngân hàng chia sẻ rằng trong 6 tháng đầu năm, tín dụng đang tăng trưởng tốt. Tín dụng được hỗ trợ bởi nhu cầu thị trường vẫn có trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp.

Tăng trưởng tín dụng đã bật mạnh ngay từ đầu năm, nhờ vào chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% năm 2025. Mặc dù vậy, trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 19/6/2025, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lưu ý rằng, trong 5 năm qua, tăng trưởng tín dụng trung bình đạt từ 14 - 15% mỗi năm. Vốn đầu tư trong nước hiện phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung và dài hạn.

Báo cáo cập nhật ngành Ngân hàng quý I/2025 do WiGroup thực hiện đánh giá, bức tranh ngành ghi nhận những điểm sáng về tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận, nhưng cũng bộc lộ áp lực rõ rệt từ chất lượng tài sản và thu nhập lãi. Ngoài ra, mặt trái của đà tăng trưởng tín dụng là rủi ro chất lượng nợ gia tăng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ toàn ngành đã lên tới 2,16%, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tỷ lệ bao phủ nợ xấu suy giảm còn 80%, phản ánh chi phí trích lập dự phòng trong kỳ tăng chậm.

Mới đây ngành ngân hàng công bố gói tín dụng quy mô 500.000 tỉ đồng từ cam kết của những ngân hàng thương mại, tài trợ hạ tầng và công nghệ. Nhưng với quy mô tín dụng đang mở rộng nhanh đi cùng rủi ro an toàn hệ thống, dòng vốn từ các nhà băng không thể là nơi cung ứng vốn duy nhất cho các dự án dài hạn.

Theo các chuyên gia, Việt Nam nên tập trung vào việc ổn định nền kinh tế vĩ mô, củng cố niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Thách thức hiện nay là khơi thông các dòng vốn thay thế, tiến tới xây dựng một cấu trúc vốn đa dạng và cân bằng hơn. Chính sách phát triển cấu trúc vốn cần chuyển trọng tâm từ số lượng sang chất lượng, từ tốc độ tăng trưởng tín dụng sang hiệu quả sử dụng vốn và khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Bên cạnh chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cần được phát huy như một công cụ chủ chủ hốt để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và thực chất. Khi các kênh huy động vốn này vận hành ổn định, thị trường sẽ giảm dần phụ thuộc vào dòng tiền ngắn hạn từ tín dụng.

Chi tiết tại:

https://kinhtedothi.vn/tin-dung-tang-cao-chu-trong-kiem-soat-rui-ro-dong-von.750555.html

 

(Theo TGO) Pi Core Team gây chấn động, ra mắt sáng kiến "blockchain + AI" độc đáo tại Pi2Day.

Diễn biến về giá Pi trong ngày Pi2Day 28/6 có xu hướng đi ngược với thời điểm diễn ra các sự kiện trước đó của Pi Network. Cụ thể, tính đến 13h15 ngày 28/6, Pi giảm gần 3% trong 24 giờ, giao dịch trên sàn OKX ở mức 0,532 USD.

Theo dõi biểu đồ diễn biến giá Pi trong 24 giờ, thấy rõ xu hướng biến động đáng kể của đồng coin này. Bắt đầu từ mức khoảng 0,55 USD vào chiều ngày 27/6, giá Pi có xu hướng tăng nhẹ và duy trì ổn định quanh mức 0,55 - 0,56 USD trong khoảng thời gian từ 18h đến nửa đêm.

Rạng sáng ngày 28/6, giá Pi bắt đầu tăng mạnh, đạt đỉnh cục bộ 0,597 USD vào khoảng 5-6h. Đây là mức giá cao nhất trong 24 giờ được thể hiện trên biểu đồ. Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh, giá Pi đã chứng kiến một đợt sụt giảm liên tục và khá mạnh mẽ. Đến khoảng 12h trưa, giá đã giảm xuống mức thấp nhất là 0,524 USD. Mặc dù có sự phục hồi nhẹ sau đó, giá Pi vẫn đang ở mức 0,53220 USD, giảm 0,01640 USD (-2,99%) so với thời điểm trước đó.

Nhìn một cách tích cực hơn, có thể nhà đầu tư cần thêm thời gian để đánh giá đầy đủ tầm ảnh hưởng của thông tin được công bố trong ngày Pi2Day, nhưng việc Pi Network định vị mình ở giao điểm của hai công nghệ tiên tiến nhất (Blockchain và AI) là một tín hiệu cực kỳ tích cực cho tiềm năng dài hạn. Đây không chỉ là một động thái chiến lược mà còn cho thấy tầm nhìn xa của đội ngũ phát triển trong việc giải quyết những vấn đề lớn của AI và định hướng một tương lai bền vững cho hệ sinh thái Pi.

Pi2Day 2025 đánh dấu bước tiến đột phá của Pi Network với việc ra mắt nền tảng ứng dụng AI và tiện ích đặt cược hỗ trợ ứng dụng. Nền tảng AI này được thiết kế để giải quyết những thách thức toàn cầu của trí tuệ nhân tạo, kết hợp sức mạnh của blockchain và AI để mở rộng sự đóng góp của người tiên phong.

Pi Core Team khẳng định "Blockchain + AI" rộng lớn hơn, không chỉ tập trung vào AI phi tập trung mà còn hướng tới phân phối công bằng lợi ích từ sản xuất do AI tạo ra. Để hiện thực hóa điều này, Pi nhấn mạnh ba yếu tố cốt lõi: tính xác thực của con người, một lớp ứng dụng AI mạnh mẽ và một mạng xã hội sôi động để phân phối.

Bên cạnh thông báo về việc ra mắt tính năng mới, đội ngũ sáng lập còn phát động "Thử thách hệ sinh thái trên Pi Network" trong ngày Pi2Day kéo dài đến ngày 7/7/2025. "Thử thách này mang đến cho Pioneers cơ hội khám phá các tính năng như Pi App Studio và Ecosystem Directory Staking, ngoài các phần khác của hệ sinh thái. Với Open Network, đây là thời điểm để người dùng tham gia sâu hơn bao giờ hết vào các ứng dụng, công cụ và cộng đồng làm nên sự độc đáo của Pi", đội ngũ phát triển thông báo.

Sau khi hoàn thành thử thách, người dùng sẽ mở khóa một loạt phần thưởng độc quyền trong ứng dụng để ghi nhận thành tích và thể hiện những đóng góp của mình cho hệ sinh thái Pi.

Chi tiết tại:

https://thuonggiaonline.vn/pi-core-team-gay-chan-dong-ra-mat-sang-kien-blockchain-ai-doc-dao-tai-pi2day-post561296.html

 

#Fintech #Congnghetaichinh #dnu_fta #Bantin