https://fta.dainam.edu.vn
TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐẠI NAM
VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH
  • Tiếng Việt
  • Tiếng Việt
BẢN TIN VIỆN CÔNG NGHỆ TÀI CHÍNH 30/06/2025

(Theo Genk) Một ngân hàng lớn cảnh báo: Kẻ lừa đảo có thể chiếm đoạt tiền trong tài khoản người dùng bằng 5 cách này, cần đặc biệt lưu ý.

Theo cảnh báo từ Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng, các thủ đoạn lừa đảo hiện nay ngày càng tinh vi, có tổ chức và nhắm đến nhóm người dùng có nhu cầu giao dịch tài chính, đầu tư vàng hoặc sử dụng ngân hàng số. TPBank đã chỉ ra 5 hình thức phổ biến mà kẻ gian có thể lợi dụng để chiếm đoạt tài sản.

Thứ nhất, giả mạo website, fanpage hoặc tài khoản mạng xã hội.

Kẻ gian tạo ra các trang web, ứng dụng hoặc tài khoản có giao diện, tên miền và logo tương tự các thương hiệu vàng uy tín như SJC, DOJI… hoặc tổ chức tín dụng hợp pháp, khiến khách hàng dễ nhầm lẫn và mất cảnh giác.

Thứ hai, cung cấp thông tin sai lệch để đánh vào tâm lý đầu tư.

Chúng đăng tải các tin giả mạo về giá mua bán vàng, chiết khấu cao hoặc khuyến mãi hấp dẫn, từ đó dụ khách hàng chuyển tiền và tham gia giao dịch qua các kênh không chính thống.

Thứ ba, lừa đảo giao dịch online qua ví điện tử và tài khoản ngân hàng.

Kẻ lừa đảo mời gọi mua bán vàng, sau đó yêu cầu khách hàng chuyển tiền đến tài khoản cá nhân, ví điện tử… nhằm chiếm đoạt tài sản.

Thứ tư, gửi tin nhắn hoặc email giả mạo trúng thưởng.

Các đối tượng yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, tài khoản ngân hàng để "xác minh" và thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Thứ năm, mạo danh ngân hàng hoặc tổ chức tài chính.

Thông qua các cuộc gọi hoặc tin nhắn mạo danh, kẻ gian tiếp cận người dùng để lừa đảo dưới nhiều hình thức khác nhau.

TPBank khuyến cáo khách hàng luôn kiểm tra kỹ lưỡng thông tin trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào. Cụ thể, người dùng cần xác minh website, fanpage hoặc các đường dẫn (link) thông qua các kênh chính thức của doanh nghiệp hoặc ngân hàng. Việc truy cập vào các trang giả mạo có thể khiến người dùng bị đánh cắp thông tin cá nhân hoặc tài khoản. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào liên quan đến hành vi lừa đảo, khách hàng cần lập tức liên hệ với cơ quan chức năng hoặc trực tiếp báo cho ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời và ngăn chặn thiệt hại.

Việc kích hoạt bảo mật hai lớp (2FA) trên ứng dụng ngân hàng cũng là một bước thiết yếu giúp tăng cường khả năng phòng vệ trước các cuộc tấn công mạng hay hành vi truy cập trái phép. Ngoài ra, trước khi cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào, khách hàng cần xác minh trực tiếp với ngân hàng qua điện thoại hoặc ứng dụng để đảm bảo tính xác thực.

Chi tiết tại:

https://genk.vn/mot-ngan-hang-lon-canh-bao-ke-lua-dao-co-the-chiem-doat-tien-trong-tai-khoan-nguoi-dung-bang-5-cach-nay-can-dac-biet-luu-y-20250623143207426.chn

 

(Theo TBNH) NHNN ban hành Thông tư sửa đổi quy định về mã ngân hàng dùng trong hoạt động nghiệp vụ.

Ngày 26/6/2025, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký ban hành Thông tư số 11/2025/TT-NHNN, nội dung chính là sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2015/TT-NHNN ngày 21/10/2015 về hệ thống mã ngân hàng sử dụng trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Cụ thể, khoản 2 Điều 4 được sửa đổi như sau: Mã ngân hàng không thay đổi và ổn định trong suốt quá trình đơn vị tồn tại, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 cùng điều. Khoản 3 cũng được sửa đổi, quy định mã ngân hàng đã cấp không sử dụng lại cho đơn vị khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 6. Khoản 5 Điều 4 được bổ sung quy định việc hủy bỏ mã ngân hàng trong trường hợp đơn vị giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động hoặc thuộc diện quy định tại khoản 6.

Đáng chú ý, Thông tư bổ sung khoản 6 vào Điều 4, quy định chi tiết về việc cấp, thu hồi hoặc điều chỉnh mã ngân hàng trong trường hợp thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước hoặc đơn vị hành chính.

Bên cạnh đó, Thông tư 11 cũng sửa đổi hàng loạt cụm từ trong Thông tư 17 để bảo đảm sự nhất quán liên quan đến các tổ chức bộ máy nhà nước mới sau sắp xếp hiện hành. Theo đó, thay cụm từ "Kho bạc Nhà nước các cấp" bằng "Kho bạc Nhà nước tại trung ương và địa phương" tại nhiều điều khoản; thay "Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Quỹ tín dụng nhân dân đặt trụ sở" bằng "Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại khu vực nơi có trụ sở Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý"; thay "Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng" bằng "Cục Quản lý, giám sát tổ chức tín dụng"; thay "Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước" bằng "Giám đốc Kho bạc Nhà nước"…

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện đối với các đơn vị liên quan, bao gồm: Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức có hoạt động báo cáo, trao đổi dữ liệu điện tử liên quan đến Ngân hàng Nhà nước.

Chi tiết tại:

https://thoibaonganhang.vn/nhnn-ban-hanh-thong-tu-sua-doi-quy-dinh-ve-ma-ngan-hang-dung-trong-hoat-dong-nghiep-vu-166528.html

 

(Theo TVO) Vay trả góp, giải pháp tài chính hiện đại hay bẫy tiêu dùng?

.Vay trả góp đang dần trở thành xu hướng tiêu dùng phổ biến tại cả thành phố lớn và các khu vực ngoại ô. Với lời chào mời “mua trước - trả sau”, hình thức này được nhiều người xem là giải pháp tài chính linh hoạt, đặc biệt phù hợp với người có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, nếu thói quen vay chi tiêu vượt quá khả năng kiểm soát tài chính cá nhân, người vay có thể nhanh chóng đối mặt với rủi ro về nợ xấu, mất cân đối thu nhập và áp lực trả nợ kéo dài.

Chỉ với vài thao tác trên điện thoại hoặc tại cửa hàng, người tiêu dùng có thể mua trước và trả góp dần mà không cần thanh toán toàn bộ ngay lập tức. Một báo cáo từ Tài chính Mirae Asset cho biết kênh cho vay tiêu dùng trả góp (bao gồm mua điện thoại, điện máy, xe máy…) đạt 6.200 tỷ đồng trong năm 2024, tăng mạnh từ 2.600 tỷ năm 2023, tương ứng mức tăng gấp 2,3 lần.

Khác với vay tín chấp truyền thống, vay trả góp gắn liền với hành vi mua sắm. Người tiêu dùng không nghĩ mình đang “vay tiền”, mà đơn giản là chia nhỏ khoản thanh toán để cảm thấy nhẹ gánh hơn. Điều này hợp lý nếu người vay có kế hoạch tài chính rõ ràng. Nhưng khi quyết định xuất phát từ cảm xúc - không cân nhắc khả năng chi trả - rủi ro dễ phát sinh.

Nhiều người bắt đầu với khoản vay nhỏ như điện thoại, sau đó tiếp tục với laptop, du lịch hay làm đẹp. Mỗi khoản chỉ vài trăm nghìn đến một triệu đồng mỗi tháng, nhưng cộng dồn có thể lên đến 5 - 6 triệu đồng/tháng. Với thu nhập trung bình, đây là con số không nhỏ, gây áp lực lên chi tiêu gia đình và dễ dẫn đến mất kiểm soát dòng tiền cá nhân.

Ngay cả khi người vay trả đúng hạn, nếu nền tảng không kết nối với hệ thống tín dụng quốc gia, lịch sử tín dụng vẫn không được ghi nhận. Trong khi đó, chỉ một lần trễ hạn cũng có thể bị gắn “rủi ro tín dụng”, gây khó khăn cho các khoản vay sau này. Vì vậy, người tiêu dùng nên ưu tiên các nền tảng được cấp phép, minh bạch thông tin và kết nối CIC, để vay an toàn và xây dựng uy tín tài chính lâu dài.

Vay trả góp là công cụ tài chính hữu ích nếu được dùng đúng cách - đúng mục đích, đúng khả năng chi trả và lựa chọn đúng đơn vị cho vay uy tín. Nhưng nếu biến nó thành thói quen chi tiêu thiếu kiểm soát, bạn có thể rơi vào bẫy nợ lúc nào không hay.

Trong thời đại công nghệ tài chính phát triển nhanh, người tiêu dùng cần hiểu rõ sản phẩm vay, quản lý tài chính cá nhân, và đưa ra quyết định có trách nhiệm. Vay trả góp nên là giải pháp giúp bạn chủ động tài chính - không phải là nguyên nhân khiến bạn mất kiểm soát.

Chi tiết tại:

https://www.baotravinh.vn/thong-tin-dich-vu-viec-lam/vay-tra-gop-giai-phap-tai-chinh-hien-dai-hay-bay-tieu-dung-47147.html

 

#Fintech #Congnghetaichinh #dnu_fta #Bantin